Chiều ngày 23/10/2018, Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội Hà Nội đánh giá, bức tranh kinh tế sáng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cho thấy nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề thay đổi thể chế, đầu tư xây dựng cơ bản, chất lượng các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách đầu tư trung hạn… vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.

Cho ý kiến về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, chiều 23/10, ĐB Hoàng Văn Cường nhận định: Về kinh tế xã hội, các chỉ tiêu khả quan, các chỉ tiêu đạt và vượt  kế hoạch đề ra, đặc biệt GDP tăng trưởng tốt 6,88% vào quý 3. Đây là bước tạo đà thuận lợi để GDP quý 4 tiếp tục tăng trưởng và tin tưởng GDP cả năm sẽ tăng cao và vượt mục tiêu đề ra.

Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt được rõ như: Giữ vững CPI dưới 4% là kết quả tích cực trong bối cảnh tỷ giá đồng đô la Mỹ và Nhân dân tệ biến động mạnh mẽ. “3 năm liên tiếp xuất siêu và dự trữ ngoại hối tăng 6 tỷ đô, là cơ sở quan trọng để duy trì tỷ giá trong thời gian qua. Đánh giá chung, tiềm năng, xu hướng kinh tế 3 năm qua tăng đều, dự báo những mục tiêu 2020 hoàn toàn có thể đạt được”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

ĐB Đoàn Hà Nội cho rằng, một số chỉ tiêu tài chính ngân sách khả quan, chi thường xuyên đã giảm nhưng vẫn còn lớn. Tổng số chi vẫn tăng lên do quy mô GDP tăng nhưng chi thường xuyên không tăng, như chi tiền lương vẫn thấp. Làm thế nào thay đổi để đạt hiệu quả, vì xu thế trên thế giới không phải là chi dựa vào nhu cầu (do các Bộ báo cáo). Trong luật ngân sách chi theo kết quả đầu ra, nhưng thực tế không thực hiện được, chỉ duy có 2 chương trình mục tiêu quốc gia là thực hiện theo luật.

“Vì vậy nếu cứ chi như hiện nay thì không thể thực hiện được. Thay đổi căn bản cách phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu đầu ra không phải theo nhu cầu như hiện nay. Nếu không hành động ngay từ hôm nay thì mục tiêu phân bổ ngân sách sẽ không thực hiện được”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhận định: Ngày 10/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 26 về đầu tư trung hạn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thay đổi cách quản lý phân bổ ngân sách từ việc phân bổ từng năm thay vì phân bổ dài hạn, thay vì trao quyền theo cách ăn đong thì nay đã có định hướng dài hạn, và chúng ta nhìn thấy ở đó những định hướng phù hợp.

“Trong 3 năm qua, chúng tôi tán thành rất nhiều nhận định trong báo cáo của Chính phủ về đầu tư công trung hạn đạt được những kết quả tích cực. Bức tranh về đầu tư có rất nhiều đổi mới, kỷ luật, kỷ cương trong phân bổ, sử dụng ngân sách đã được thắt chặt. Rất nhiều công trình hiệu quả đưa vào sử dụng góp phần thay đổi bộ mặt đất nước”, ĐB Lưu Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, 3 năm là 1 chặng đường ko dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc, thách thức đang đặt ra.

ĐB băn khoăn về tính tập trung của phân bổ nguồn lực. “Chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và có cách so sánh. Nếu nói 1 cách hơi thô thì chưa ở đâu có cách phân bổ như ở chúng ta. 64 tỉnh, TP, mỗi tỉnh, TP có 1 dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi thấy trong cách phân bổ, chúng ta hướng theo cách công bằng, nhưng công bằng không có nghĩa là cào bằng, dàn trải và chia đều”, ĐB Lưu Mai cho biết.

Trong Nghị quyết 26 nêu định hướng rất đúng là tập trung, tránh dàn trải, khắc phục những hiện tượng dở dang của các công trình. Tuy nhiên, khi thực hiện, cách phân bổ chưa đạt được mục tiêu đó. Công bằng là cần thiết, nhưng trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, chúng ta cần ưu tiên hợp lý, có như  vậy mới khắc phục được tình trạng dàn trải kéo dài trong nhiều năm qua.

Cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế

Về việc thay đổi thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, ĐB Hoàng Văn Cường chia sẻ: “Điều này đã tạo khả năng huy động nguồn lực, sức mạnh cho nền kinh tế, nhưng mới dừng lại ở Trung ương, các bộ ngành, chứ chưa xuống tới cơ sở”. Vì vậy, thời gian qua đã tích cực chất vấn tư lệnh ngành về vấn đề này nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Do vậy cần xem xét trách nhiệm của cơ quan thực thi chính sách ở cơ sở, như vậy thể chế mới thay đổi và hiệu quả hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề thể chế, đầu tư xây dựng cơ bản, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nêu: Chúng ta thấy rất nhiều công trình xây dựng chất lượng kém. Trong khi quy trình ra được thủ tục hành chính cho một công trình rất phức tạp. “Vậy thì, tại sao quy trình thủ tục phức tạp, công nghệ ngày càng cao, con người ngày càng thông minh, vật liệu xây dựng ngày càng tốt nhưng công trình chất lượng ngày càng thấp?”, ĐB đặt câu hỏi.

Việc quy trình xin thủ tục của 1 dự án vô cùng phức tạp là vấn đề gần như DN nào cũng kêu. Đây là vấn đề chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi.

Một vấn đề nữa được ĐB Ngọ Duy Hiểu đề cập là đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng dây chuyền của các DN, ứng dụng khoa học vào sản xuất của chúng ta còn rất chậm. Điều này dẫn đến việc chúng ta bị tuột mất rất nhiều cơ hội, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, các DN trong nước nhập công nghệ cũ, lạc hậu thậm chí gây ô nhiễm môi trường về nước vẫn diễn ra, khía cạnh này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, vươn lên của nền kinh tế - xã hội.

Do đó, ĐB cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế. “Chúng ta rất cần thể chế nhưng chúng ta không cần cách dễ dàng, đơn giản để thông qua một đạo luật, quy định, cả nội dung, hình thức”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, vấn đề ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại của DN cũng cần được quan tâm. Mặc dù chúng ta đã có chính sách ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, nhưng vẫn có DN lừa dối, DN đích thực có được hưởng thụ không. Nếu xét về trí tuệ cá nhân, Việt Nam xếp ở thứ hạng cao của thế giới nhưng trong giai đoạn hiện nay, trong phát triển kinh tế chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng trăn trở về chất lượng các công trình, dự án ĐB Lưu Mai cho rằng, đây là vấn đề rất nổi cộm. Gần đây nhất, báo chí đưa tin rất nhiều về đường cao tốc Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng đã hỏng, nguyên nhân được giải thích là do thời tiết, mưa nhiều… gây bức xúc trong dư luận.

“Đây chỉ là một ví dụ mà chúng ta nhìn thấy, còn bao nhiêu công trình, dự án khác chúng ta ko nhìn thấy thì chất lượng có đảm bảo hay không. Đặc biệt là những công trình thủy lợi nạo, vét lòng sông… có những ý kiến của người dân cho rằng chúng ta đổ tiền xuống sông, xuống biển, chúng tôi thấy rằng khi chúng ta đầu tư nguồn lực thì cần kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng”, ĐB Lưu Mai nhấn mạnh.

Cũng theo nữ ĐB Quốc hội, đối với những dự án có biểu hiện thất thoát, lãng phí cần phải có biện  pháp xử lý nghiêm để lấy được lòng tin trong nhân dân vì suy cho cùng, việc chúng ta đầu tư, dù đi vay thì thế hệ sau cũng phải trả và là tiền thuế của Nhân dân nên cần sử dụng hiệu quả.

Ngọc Ánh- VP Đoàn ĐBQH Hà Nội


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.645.106
    Online: 59