Sáng ngày 25/10/2018 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được sự quan tâm của rất nhiêu đại biểu Quốc hội.  Phiên thảo luận có 20 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận, còn 13 vị đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do điều kiện thời gian chưa được phát biểu. Đoàn ĐBQH Hà Nội có 5 ĐBQH đăng ký phát biểu nhưng do điều kiện thời gian chỉ có 2 ĐBQH được phát biểu là Đại biểu Hoàng Văn Cường và Vũ Thị Lưu Mai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao sự chuẩn bị của dự thảo luật lần này, tập trung vào chế tài phòng, ngừa và ngăn chặn tham nhũng chứ không chỉ dừng lại ở khâu xử lý tài sản. Vì những người đã có đủ mưu mô để tham nhũng, moi được tiền từ Nhà nước vào túi mình thì người ta cũng thừa mưu mô và thủ đoạn để che dấu những tài sản đó cho nên việc chỉ xử lý tài sản đại biểu Cường cho rằng sẽ quá muộn so với việc phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Cường đồng tình mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư nhưng  không đồng tình với đối tượng của khu vực tư đưa vào kiểm soát là doanh nghiệp đại chúng. Vì doanh nghiệp đại chúng đã phải chịu sự kiểm soát của rất nhiều cổ đông, đồng thời doanh nghiệp này phải chịu cáo bạch trên thị trường chứng khoán, do vậy rất khó có hành vi tham nhũng xuất hiện ở nhóm này. Tuy nhiên, đối tượng khu vực tư hiện nay  đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công đó là các doanh nghiệp sân sau. Đây là đối tượng chính cần kiểm soát nhưng trong luật này không đề cập đến. Do vậy, Đại biểu đề nghị phải quy định đối tượng cần kiểm soát là những doanh nghiệp tư có quan hệ về kinh tế cung cấp mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công thì phải kiểm soát tham nhũng bằng hình thức kiểm toán công khai tài chính 3 năm, năm trước, năm sau và năm có nảy sinh giao dịch, quan hệ mua bán đó. Như vậy, kiểm soát đối tượng này như minh bạch của doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nước trên thế giới kiểm soán đồng tiền thì người ta theo đuổi dòng đi của đồng tiền từ ngân sách đi đến cùng chứ không phải chỉ khi kiểm soát đến doanh nghiệp kia có hóa đơn, chứng từ là đủ. Do vậy, luật này cần quy định khi kiểm toán phải kiểm toán đến cùng dòng tiền đó, là theo dấu vết đồng tiền. Đi đến cùng theo dòng tiền đó xem có đảm bảo có đúng các yếu tố vật tư, nguyên liệu, hàng hóa được cung cấp có nguồn gốc hay chỉ trên chứng từ.

Thứ hai, đại biểu đồng tình rất cao với quy định thanh toán không dùng tiền mặt, bởi nếu chúng ta không dùng tiền mặt thì đây là biện pháp gây khó khăn cho tham nhũng, không dễ dàng rút tiền ra hàng vali để thực hiện việc đưa đi hối lộ và xu hướng trên thế giới chúng ta cũng thấy fintech phát triển rất mạnh nên chúng ta thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến. Đề nghị trong khoản 2 Điều 29 cần quy định mở rộng là Chính phủ cần có biện pháp tài chính và công nghệ để tất cả giao dịch mua bán hàng hóa, công nghệ có liên quan đến sử dụng tiền vốn, tài sản của ngân sách nhà nước đều phải thực hiện không dùng tiền mặt. Việc quy định này không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng mà còn có tác động tích cực đến khuyến khích các doanh nghiệp gia đình chuyển thành doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải là kinh doanh không có hóa đơn chứng từ như hiện nay. Điều này là một mục tiêu kép và hoàn toàn có thể thực thi được.

Thứ ba, quy định trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng. Đề nghị phải bổ sung nội dung Điều 32 về trách nhiệm xử lý đối với người kiểm soát tài sản như quy định trách nhiệm ở Điều 64 đối với thanh tra và kiểm toán.

Thứ tư, về quy định khen thưởng đối với người phản ánh và tố cáo tham nhũng tại Điều 68. Quy định quá chung chung, tức là được khen thưởng theo quy định của pháp luật và điều này quả thật không xứng đáng với những người đứng lên phòng chống tham nhũng. Chúng ta đều biết rằng, những người dám đứng ra tố cáo tham nhũng là những người sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều, mặc dù chúng ta nói rằng được pháp luật bảo hộ nhưng ít nhất những người này sẽ mất công sức, thậm chí có người mất việc hoặc không mất việc cũng ngồi chơi chứ không có việc để làm, còn liên lụy tới gia đình, vợ con. Như vậy, thiệt hại về kinh tế cho những người này là rất lớn. Chúng ta nhìn việc này là tấm gương rất rõ cho nhiều điển hình trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Do vậy, tôi đề nghị cần phải sửa lại Điều 68, cần quy định rõ về chế độ khen thưởng cho những người đứng lên tố cáo tham nhũng, ít nhất chế độ này phải bù đắp được những hao tổn về mặt công sức, chi phí, thiệt hại do người đó đã bị mất đi khi đứng lên tố cáo tham nhũng chứ chưa nói gì đến phần tài sản giúp cho nhà nước thu hồi được.

Điểm cuối cùng về xử lý tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc, đề nghị cần quy định rõ là những tài sản không kê khai. Không kê khai tức là cố tình che giấu, cố tình gian dối thì trường hợp này phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính. Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc của nó nhưng cơ quan quản lý cũng không kết luận được đó là tài sản bất minh. Còn trường hợp cơ quan quản lý cũng không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tài sản này sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế theo phương án 2. Bởi lẽ, việc thu thuế theo phương án 2 cũng không sợ rằng chúng ta thuế trùng thuế bởi vì bản thân người có tài sản đó cũng không chứng minh được là mình đã nộp thuế. Nếu chứng minh được mình đã nộp thuế rồi thì đương nhiên người ta đã chứng minh được tính minh bạch của nguồn gốc tài sản. Do vậy, tôi cho rằng phương án này là phương án tương đối khả thi, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị không áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản không rõ nguồn gốc vì thuế thu nhập cá nhân xét về tính chất thì không phải là công cụ trực tiếp trong công tác phòng, chống tham nhũng và cũng không mang ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn quyết liệt đối với hành vi phòng, chống tham nhũng. Đối với tài sản có được bởi hành vi tham nhũng, nếu như áp dụng với thuế suất 45% thì lại quá nhẹ. Nhưng nếu như đối với tài sản vì một lý do nào đó mà không chứng minh được nguồn gốc mà áp dụng thuế suất 45% thì lại rất nặng. Chính vì vậy, ở quy định này có 2 mục tiêu mà chúng ta chưa chạm đến được, đó là tính nghiêm minh và tính công bằng. Hệ lụy trong trường hợp này có thể để lọt tội phạm và không đảm bảo tính công bằng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu (Ảnh: Quochoi.vn)

Thứ hai, căn cứ để tính thuế hoàn toàn chưa thực sự vững chắc. Xét dưới giác độ lí luận, để hình thành và đưa vào áp dụng một loại thuế thì cần rất nhiều yếu tố: thu nhập chịu thuế, đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và thuế suất. Hiện tại thì thuế thu nhập cá nhân được xác định dựa trên mức độ thu nhập, chỉ số CPI, các yếu tố liên quan đến gia cảnh và nguyên tắc thì bảo đảm phải hài hòa về lợi ích thuế. Nếu như chúng ta áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản này thì căn cứ tính thuế là gì thì chưa rõ ràng.

Thứ ba, cũng không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Bởi vì đối với trình độ quản lý tài sản như hiện nay, với giao dịch tiền mặt còn đang phổ biến như thế này, cơ sở dữ liệu chưa ổn định, vững chắc thì việc chúng ta khẳng định nguồn gốc xuất xứ tài sản không hợp lý cũng chưa vững chắc. Đại biểu Mai cho rằng, qui định này có thể áp dụng ở nhiều nước nhưng đối với Việt Nam thì thực sự cơ sở thực tiễn là chưa vững chắc.

Thứ tư, sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Bởi lẽ nếu cứ coi tài sản thu nhập giải trình chưa hợp lý là đối tượng chịu thuế thì đặc thù của kinh tế tiền mặt như hiện nay sẽ rất nhiều tài sản sẽ được coi là giải trình chưa hợp lý và sẽ là đối tượng chịu thuế. Công cụ để chúng ta tổ chức thực hiện là chưa sẵn sàng, bao gồm yếu tố con người, bao gồm yếu tố kỹ thuật. Vì vậy, dẫn đến tính khả thi cũng chưa cao.

Về thông lệ quốc tế, mặc dù cơ quan phòng, chống tội phạm ma túy của liên hợp quốc có khuyến nghị thu thuế đối với tài sản tăng thêm. Song qua xem xét kinh nghiệm của 189 quốc gia trên thế giới đối với việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân hầu hết cơ bản đều thu nhập rõ nguồn gốc xuất xứ và mức thuế phổ biến chỉ trên dưới 30% và chỉ có 3 nước đó là Trung Quốc, Anh và Nam Phi là mức trên 40%.

Hoài Thương- VP Đoàn ĐBQH HN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.644.421
    Online: 60