Chiều ngày 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đoàn ĐBQH Hà Nội có 3 đại biểu phát biểu ý kiến là: Đại biểu Nguyễn Thị Lan; Nguyễn Anh Trí và Hoàng Văn Cường.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường đại học cần quy hoạch lại sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất để các trường có thể phát huy cao nhất lợi thế so sánh. Tránh trường hợp mở ra quá nhiều trường đại học trong một khu vực hoặc cùng đào tạo một ngành nghề dẫn đến đào tạo dư thừa, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Trong luật cũng cần quy định rõ các điều kiện tối thiểu để một trường đại học có thể thành lập mới tại một địa phương, tại một vùng địa lý kinh tế cụ thể. Trước khi Chính phủ quyết định thành lập một trường đại học mới cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố, điều kiện, vị trí địa lý, tính đặc thù, sự khác biệt về ngành nghề đào tạo, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo các trường mới thành lập sẽ phát triển tốt và không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học đã có từ trước trong khu vực và họ đang thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo phục vụ xã hội về ngành nghề ấy.
Về điều kiện mở ngành mới đại biểu Lan đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát quy định lại điều kiện mở ngành không phải ngành nào cũng giống ngành nào. Cần phải xác định một số ngành nghề đặc biệt, các ngành cần yếu tố kỹ thuật cao, tay nghề thực hành nhiều phải có các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành, như cần đủ về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập, nghiên cứu. Cần phải có bệnh viện thú y để rèn tay nghề cho sinh viên, khác hẳn với việc mở các ngành đào tạo nông nghiệp khác. Tuy nhiên, đối với Việt Nam điều kiện để mở ngành đào tạo thú y và cấp giấy phép hành nghề cũng chưa có một quy định riêng một cách chặt chẽ và cũng còn dễ dãi trong điều kiện mở ngành này, gây nên nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo bác sỹ thú y ở một số cơ sở đào tạo.
Về vấn đề tài chính và đầu tư cho đại học. Trong dự thảo luật đã có các Điều 64, 65, 66 về cơ chế tài chính để phù hợp với tự chủ đại học nhưng về quan điểm tự chủ tài chính và đầu tư cho đại học. Luật phải cụ thể hóa được chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, trường đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo để ưu tiên đầu tư nguồn lực cho đúng hướng. Luật cần phải thể hiện được quan điểm tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Không phải Nhà nước cắt kinh phí đầu tư mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung thêm Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về hình thức đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo, trình độ, văn bằng, chứng chỉ và các quy định khác phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Về giảng viên được quy định ở Điều 54 là những quy định đổi mới, tốt nhưng chưa thực sự rõ. Quy định: Giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ quy định này là được vì không chỉ là trình độ mà còn là phương pháp nghiên cứu khoa học, tham khảo tài liệu, viết luận văn, luận án, v.v... Còn quy định giảng viên dạy đại học là thạc sĩ đề nghị xem lại, vì chưa hẳn thạc sĩ đã giởi hơn người có trình độ đại học.
Về vai trò thực hành trong đào tạo. Thực hành, thực tập có vai trò hết sức quan trọng, như y khoa, thú y, nghệ thuật, v.v.. Giảng dạy đào tạo thực tập là rất khó, soạn một bài giảng lý thuyết không khó đối với cán bộ giảng dạy, có thể dùng nhiều năm, nhưng soạn để giảng một ca bệnh khó, mới đòi hỏi trình độ phải rất tổng hợp. Vì vậy cần quy định chặt chẽ để có cơ sở đào tạo thực hành, thầy giáo dạy thực hành đúng chuẩn, đầy đủ cho đào tạo, giờ giảng thực hành cần được đánh giá đúng với giá trị của nó.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong luật này cần phải quy định rất rõ trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với người học, cựu học viên và đối với những đơn vị là người sử dụng lao động về giải trình đối với các chuẩn đầu ra, sản phẩm đào tạo của mình để chính cơ sở đó là cơ sở để xã hội sẽ thực hiện vai trò giám sát đối với các trường đại học.
Trong dự thảo cần phải cân nhắc một số nhiệm vụ, chúng ta đang giao cho Hội đồng trường thực hiện, kể cả những công việc mang tính chất tác nghiệp, ví dụ phê duyệt thông qua các hợp đồng có giá trị lớn hay là các báo cáo quyết toán hàng năm v.v.. Đây chính là những công việc của Hiệu trưởng chứ không phải là công việc của Hội đồng trường. Do vậy, cần tách bạch rõ hơn công việc gì của Hội đồng trường, là quyết định phương hướng và giám sát với công việc thực thi của Ban giám hiệu.
Đại biểu Cường đồng tình với quy định là cơ chế thu học phí của các trường đại học phải dựa trên cơ sở tính giá dịch vụ đào tạo và đây chúng ta vẫn khẳng định lại đây là các trường thu học phí và người học phải nộp học phí, nhưng không phải dựa vào Luật Phí và lệ phí mà phải dựa vào cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí để tạo thành giá dịch vụ đào tạo. Chỉ có trên cơ sở thu đúng giá dịch vụ đào tạo như thế thì các trường mới có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc đào tạo các chương trình có chất lượng cao.
Đại biểu Cường đề nghị bên cạnh việc quy định các tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp cho mỗi một chức danh này thì trong luật cũng cần phải quy định rõ về cơ cấu, vị trí việc làm gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của những người được bổ nhiệm vào chức danh đó phải làm gì. Kinh nghiệm của thế giới khi các trường đại học khi bổ nhiệm một giáo sư thì luôn phải gắn với các nhiệm vụ giáo sư đó phải đảm nhận và có các điều kiện cho giáo sư đó phải thực hiện. Như vậy, bổ nhiệm như thế sẽ tránh được tình trạng chúng ta có thể bổ nhiệm tràn lan, nhiều giáo sư nhưng khi bổ nhiệm xong thì giáo sư này cũng không đảm nhận được công việc gì khác hơn với những người trước đó chưa bổ nhiệm.