Theo chương trình làm việc ngày 13/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Nội có 3 đại biểu phát biểu đó là: Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Anh Trí và Nguyễn Chiến.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính góp ý nhiều nội dung trong dự thảo Luật cụ thể như sau:
Về phạm vi điều chỉnh của luật tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ mở rộng phạm vi áp dụng đến công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, v.v... Nếu chỉ dừng lại ở đây, phạm vi này việc quản lý, kiểm soát tài sản vẫn chưa triệt để. Mặc dù trong điều kiện hiện nay nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh ra toàn bộ khu vực ngoài nhà nước sẽ rất khó khăn về nguồn lực phục vụ công tác kiểm soát tài sản. Tuy nhiên, trong tương lai để đảm bảo tính toàn diện và phát huy hết vai trò của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả các tổ chức, pháp nhân, cá nhân trong và ngoài nhà nước.
Về quà tặng, nhận quà tặng: dự thảo mới chỉ cấm người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng của những người liên quan đến công việc do người đó giải quyết hoặc quản lý. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn nhận quà tặng của người khác hoặc người đó nhận quà tặng của những người không liên quan đến công việc do mình quản lý nhưng tác động đến người có thẩm quyền giải quyết công việc cho người đưa quà tặng thì dự thảo chưa đề cập và chưa có biện pháp xử lý. Đây là kẽ hở cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều này cho phù hợp với lý luận và thực tiễn hiện nay.
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập: nếu chỉ tập trung nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra sẽ dẫn đến phải tăng nguồn lực cho cơ quan thanh tra, trong khi đó Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị từ nay đến năm 2021 phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Nếu chỉ dùng nguồn lực hiện tại thì việc kiểm soát tài sản thu nhập sẽ không khả thi, không hiệu quả và chỉ mang tính hình thức.
Về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực tại Điều 59 dự thảo, dự thảo đưa ra hai phương án, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, phương án thứ nhất: Yêu cầu cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Phương án thứ hai: Xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Thực tế về mặt lý luận, khi pháp luật đã quyết định một chủ thể phải có trách nhiệm kê khai đúng và đầy đủ tài sản thu nhập của mình mà không kê khai hoặc kê khai không trung thực thì chủ thể đó đã vi phạm pháp luật và đó là vi phạm hình sự hoặc vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp luật. Hiện nay thì chỉ quy định hai hình thức, đó là xử lý hình sự và xử lý hành chính. Mặt khác, hành vi kê khai tài sản không đúng, không đầy đủ và không trung thực không phải là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật thuế hiện nay. Đối với những người kê khai tài sản không trung thực nhưng đã nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ hoặc khoản thu nhập chưa kê khai thuộc trường hợp miễn thuế theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân thì không áp dụng biện pháp thu thuế thu nhập cá nhân như phương án 1. Do vậy, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo phương án 2 là hợp lý hơn kể cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần nêu rõ căn cứ để xử phạt 45% giá trị tài sản không kê khai là như thế nào. Cần bổ sung thêm một số biện pháp xử lý khác liên quan đến nhân thân như xử phạt, cảnh cáo, khiển trách, cách chức, hạ bậc lương...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận về kê khai tài sản, thu nhập, dự thảo chưa bao quát hết được đối tượng tham nhũng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này. Ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản.
Vấn đề tài sản tham nhũng và tài sản không minh bạch. Cần giải thích từ ngữ các loại tài sản này, "tài sản tham nhũng" đã có giải thích ở khoản 3 Điều 4 và được hiểu đó là tài sản ăn cắp, lợi dụng mà có được, và qua xét xử đã có kết luận được loại tài sản này thì bị tịch thu triệt để. "Tài sản không minh bạch", là bao gồm tất cả các tài sản không kê khai, kê khai không trung thực, tài sản không giải thích được một cách hợp lý, loại tài sản này thì chưa tịch thu mà chỉ thực hiện theo phương án 1 Điều 59. Cần bổ sung "người có tài sản không minh bạch bị xem xét để kỷ luật, tài sản không minh bạch không được mua bán và trao đổi, người sử dụng tài sản không minh bạch sẽ không được bổ nhiệm chức vụ và có thể kết cục sẽ bị kỷ luật
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng các quy định về phương án để xử lý đối với những tài sản do đối tượng kê khai không đầy đủ hoặc không kê khai, theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phương án 2 là không phù hợp. Vì nếu xử lý hành chính với hành vi kê khai tài sản thu nhập đó là hành vi của người có nghĩa vụ phải kê khai. Nhưng nếu họ không kê khai mà thực hiện xử lý tới 45% là không tương xứng vì còn liên quan trình tự, thủ tục về xử lý vi phạm hành chính cũng như mức độ xử lý, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu việc xử lý tài sản mà họ không kê khai thuộc trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh việc họ không kê khai là hành vi vi phạm nhưng trình tự, thủ tục vi phạm lại liên quan đến việc phải tuân theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Đặc biệt nó vướng ở thẩm quyền cũng như phạm vi xử lý vi phạm đối với phương án 2. Do vậy, đại biểu Chiến đề nghị phương án 1 là vấn đề xác định trách nhiệm phải nộp thuế đối với tài sản kê khai không đầy đủ hay không xác định rõ nguồn gốc.