Chiều 13/8, tại buổi chất vấn theo Chương trình Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đã giải đáp nhiều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em.
Đại biểu Bùi Huyền Mai nêu nội dung chất vấn
Đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội khẳng định công tác bảo vệ trẻ em hiện đang được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và dư luận xã hội rất quan tâm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đánh giá của Bộ Công an về mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục với trẻ em hiện nay. Đại biểu Mai cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ tại sao chỉ có những vụ việc xâm hại trẻ em khi có ý kiến của lãnh đạo Nhà nước, sự vào cuộc của cơ quan truyền thông, báo chí, thì mới được xử lý rốt ráo và thực sự có hiệu quả
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an cũng đồng tình với đánh giá của các đại biểu Quốc hội là “tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đang rất phức tạp, và được dư luận rất quan tâm”. Để minh họa cho nhận định này, Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa ra số liệu cụ thể, theo đó, chỉ trong năm 2017, số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện là 1.592 vụ (giảm 15% số vụ), trong đó xâm hại tình dục là chủ yếu, chiếm 84% số vụ xâm hại trẻ em; 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 612 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại chủ yếu vẫn là xâm hại tình dục, riêng hiếp dâm trẻ em xảy ra 209 vụ, tăng 4 vụ so với năm 2017. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các cháu gái, chiếm khoảng 80% đối tượng bị xâm hại.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, người phạm tội chủ yếu chưa có tiền án, thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, việc đưa tin về các vụ việc xâm hại trẻ em trên các phương tiện truyền thông, báo chí đã làm vụ việc nóng lên, khiến nạn nhân và gia đình bị tổn thương trong thời gian dài. Một số vụ việc do ứng xử ban đầu không phù hợp, khiến dư luận nghi ngờ cơ quan tham gia xử lý.
Chỉ rõ những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại trẻ em trở lên phức tạp trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, chủ yếu do công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật hiệu quả chưa cao; phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục chưa chặt chẽ; nhiều gia đình chưa quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em gái…
Bộ Trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn
Đối với những tồn tại, khó khăn trong phát hiện, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, do việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tội xâm hại trẻ em chưa kịp thời; công tác thống kê kết quả xử lý tin tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng xử lý thông tin xâm hại trẻ em còn hạn chế. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu rõ, việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn chậm, nên việc tiếp cận hiện trường, thu thập bằng chứng hết sức khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xử lý loại tội phạm này. Đặc biệt, các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường nhạy cảm, nên nạn nhân và gia đình thường ngại tố giác, khiến xảy ra trường hợp trẻ em bị xâm hại nhiều lần; gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong cung cấp chứng cứ. Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu rõ, hầu hết các vụ xâm hại trẻ em đều không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em chưa có nhận thức hoàn chỉnh, tâm lý hoảng loạn nên khai báo thiếu chính xác. Một số vụ việc nạn nhân khai thác không thống nhất, theo sự chỉ dẫn của phụ huynh, nên gây khó khăn cho công tác điều tra. Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng chưa thống nhất, khiến một số vụ việc đến nay chưa xử lý được.
Về các giải pháp để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 06/8 vừa qua, Chính phủ tổ chức hội thảo trực tuyến trong đó đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Theo chức năng của Bộ Công an, Bộ đang chỉ đạo lực lượng công an các địa phương triển khai theo một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các biện pháp này như: chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là về kiến thức liên quan đến xâm hại trẻ em; đẩy mạnh thực hiện chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm.