Sáng ngày 7/12, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 quân Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội). Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dự Hội nghị tiếp xúc cử tri gồm, bà Bùi Huyền Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng; bà Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, ĐBQH Bùi Huyền Mai thông báo: Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Hồng Thái do nhận công tác mới là Tư lệnh Quân khu 1 nên ông đã chuyển sinh hoạt ĐBQH từ Đoàn TP. Hà Nội về Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; Trung tướng, ĐBQH Trần Việt Khoa sẽ về sinh hoạt tại đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội. ĐBQH Bùi Huyền Mai đã trình bày thông báo về kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, sau 28 ngày làm việc, Quốc hội thông qua 11 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. Các luật được Quốc hội thông qua, cụ thể, Bộ luật Lao động được sửa đổi nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng như xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định ở nước ta, tiệm cận với nhiều nội dung và nguyên tắc cơ bản của các Công ước cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều với nhiều quy định mới, quan trọng, trong đó, lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với người làm việc không có quan hệ lao động; luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động của các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; quy định lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; bổ sung một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2/9; quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động;… Luật Chứng khoán được sửa đổi để góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Luật Dân quân tự vệ được sửa đổi nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Luật Lực lượng dự bị động viên được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thời gian qua. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay...Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri (Ảnh: Minh Tú)
Cử tri Nguyễn Hoàng Ân, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho rằng: Với khối lượng công việc rất lớn được Quốc hội giải quyết trong một kỳ họp (thông qua 11 Luật, 17 Nghị quyết, nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thảo luận và thông qua) đã khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường. Đặc biệt, thêm một lần nữa, cử tri rất ấn tượng với việc thực hiện “hỏi nhanh, đáp gọn” (người hỏi chỉ có 1 phút, người trả lời chỉ có 3 phút). Điều đó đòi hỏi cả người chất vấn và người trả lời chất vấn phải nắm rất kỹ, rất sâu vấn đề nêu ra. Chính cách làm mới của Quốc hội đã tạo nên sức hút lớn đối với cử tri. Bên cạnh đó, cử tri Nguyễn Hoàng Ân cũng phát biểu bày tỏ sự nhất trí việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trong đó, có nội dung không tổ chức HĐND phường. Cử tri cho rằng đây là yêu cần thiết, đúng hướng khi nước ta đang tiến nhanh trong quá trình hội nhập quốc tế. Cử tri kiến nghị thành phố và cấp quận cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đối với cấp cơ sở, tạo nhận thức thấu đáo, đồng thuận thì việc thực hiện mới có hiệu quả cao. Cùng đó, cử tri kiến nghị Quốc hội và lãnh đạo thành phố nghiên cứu, bổ sung vào các quy định theo hướng tăng cường chức năng, hiệu lực giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cơ sở.  Các cử tri phát biểu nêu ý kiến tại hội nghị Quan tâm tới công tác cán bộ, cử tri các quận khẳng định việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ có vị trí cao thoái hóa, biến chất, là rất đáng buồn và đau xót. Cử tri kiến nghị, Đại hội Đảng tới, ngoài việc quy hoạch, chọn cán bộ như quy định thì trong Nghị quyết Đại hội nên có mục cam kết trước nhân dân về danh dự, trách nhiệm quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, nếu để nhiều cán bộ diện cấp ủy quản lý vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chịu hình thức trách nhiệm trước Đảng, nhân dân thế nào? Lo ngại thời gian qua có nhiều vụ tự tử, giết người vì mâu thuẫn cá nhân… cử tri cho rằng đó là hồi chuông báo động về lối suy nghĩ không lành mạnh, xuống cấp đạo đức xã hội và kiến nghị cần có biện pháp giáo dục, tuyên truyền cũng như kịp thời ngăn chặn các suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc quyết liệt hơn để Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông sớm hoàn thành; kiến nghị thành phố Hà Nội sớm có giải pháp cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông…
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri. Đồng chí khẳng định, các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời theo quy định.