Chất vấn tại kỳ họp HĐND và giải trình tại phiên họp HĐND là hoạt động quan trọng, nổi bật thể hiện chức năng giám sát của HĐND các cấp. Đây cũng là hoạt động được cử tri, Nhân dân luôn chú ý theo dõi, thể hiện rõ nét được vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND – cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội - Dân chủ, trách nhiệm, chất lượng, đi đến cùng vấn đề

Trong kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn
là phiên họp quan trọng, thu hút sự chú ý của các đại biểu, cử tri và dư luận xã hội. Chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện quyền và trách nhiệm của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, thời gian qua, tại các kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội đều dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (trọn 1 ngày làm việc của kỳ họp). Các phiên chất vấn được tổ chức đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp rõ”, sử dụng video clip bằng hình ảnh thay cho báo cáo tại các phiên chất vấn; khuyến khích sự tham gia chất vấn của đông đảo các đại biểu HĐND; cấp trưởng của các cơ quan liên quan, lãnh đạo UBND Thành phố phải trực tiếp tham gia trả lời chất vấn; đảm bảo không khí thẳng thắn, sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm. Cuối mỗi phiên chất vấn, Chủ tọa kỳ họp dành thời gian để Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo làm rõ các nội dung chất vấn của đại biểu và giải trình thêm những nội dung có liên quan. Chủ tọa điều hành khoa học, linh hoạt, cuối từng chủ đề đều có tóm tắt, kết luận cụ thể những nội dung. Kết thúc phiên chất vấn đều ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn với các nội dung rõ ràng, cụ thể, ghi rõ các cam kết trả lời, các mốc thời gian thực hiện để yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và thuận tiện cho cử tri theo dõi, giám sát. Ngoài ra, ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đối với những vấn đề quan trọng, cần thiết.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND Thành phố đã tổ chức được 6 phiên chất vấn, đã có 186 lượt ý kiến chất vấn của các đại biểu, trong đó trên 60% là đại biểu không chuyên trách. Có 05 phiên chất vấn theo từng nhóm chủ đề; 01 phiên tái chất vấn đối với toàn bộ các ý kiến kết luận chất vấn, kết luận giám sát và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; đã ban hành 6 thông báo kết luận chất vấn, 02 nghị quyết về chất vấn.

Kết quả sau chất vấn đã làm rõ được trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành các vấn đề quan trọng, bức xúc ở địa phương; đưa ra các phương hướng, giải pháp triển khai tốt các nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả nghị quyết của HĐND Thành phố. Cơ bản kết luận của chủ tọa tại các phiên chất vấn đến nay đều đã được giải quyết xong. Hoạt động chất vấn của HĐND Thành phố Hà Nội đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố; làm cho tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố có những chuyển biến theo hướng tích cực; một số vấn đề bức xúc từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, tìm giải pháp khắc phục kịp thời, với mục đích phục vụ tốt cho nhân dân, cho xã hội.

Các phiên giải trình của Thường trực HĐND - Quyết liệt, tạo sự chuyển biến trong điều hành hoạt động của các cấp chính quyền

Phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội được tổ chức lần đầu năm 2017, đến nay đã tổ chức được 4 phiên, theo hình thức là phiên họp riêng, diễn ra trong một buổi sáng, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên cả sóng Đài PTTH Hà Nội và Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, có phiên mở rộng thêm hình thức trực tuyến tới tận các đại biểu xã, phường, thị trấn. Tổng số đã có 92 lượt đại biểu nêu ý kiến, tranh luận, hàng chục lượt giải trình của lãnh đạo UBND, Thủ trưởng các sở, ngành Thành phố; lãnh đạo UBND các quận huyện và một số UBND các xã, phường, trị trấn, lãnh đạo đơn vị có liên quan. Riêng phiên giải trình mới nhất của Thường trực HĐND Thành phố diễn ra ngày 25/3/2019 vừa qua với chủ đề về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, chất lượng, đạt hiệu quả cao.

Quy mô tổ chức phiên giải trình đều được thực hiện quy củ, tuỳ theo từng nội dung để triệu tập, mời tham dự đối với toàn thể các đại biểu HĐND hoặc nhóm đại biểu (thành viên 04 Ban, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND Thành phố), cũng như sự tham dự của đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo UBND các địa phương; đồng thời mời Chủ tịch HĐND và 01 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện để tiếp thu, học tập mô hình tổ chức… Chủ đề giải trình được phân công 01 Ban HĐND chủ trì, các Ban và Văn phòng HĐND phối hợp chuẩn bị kỹ càng, khảo sát sâu rộng tại các đơn vị có liên quan. Phiên giải trình diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, cầu thị; nội dung giải trình ngoài báo cáo bằng văn bản gửi đại biểu nghiên cứu còn được phát dưới dạng phóng sự truyền hình tạo trực quan, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm; từng vấn đề, nhất là những hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu nêu rõ, gắn với đó là câu hỏi thẳng vào trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; biện pháp khắc phục rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành.

Thường trực HĐND Thành phố điều hành linh hoạt, khoa học, chất lượng, đảm bảo đúng nội dung và chương trình đề ra. Cử tri theo dõi, đánh giá cao chất lượng, hiệu quả của phiên giải trình. Ngay sau Phiên giải trình những kết quả, hiệu ứng lan tỏa tích cực đã được thể hiện rõ nét; được UBND Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tới Thường trực HĐND Thành phố. Đơn cử những nội dung về quản lý rác thải rắn, thực hiện các bộ Quy tắc ứng xử, công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án chậm triển khai, tình hình quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị… đều có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, thực sự khẳng định vai trò, trách nhiệm của HĐND Thành phố và hướng dẫn tới Thường trực HĐND các cấp trong việc tiếp thu, học tập mô hình tổ chức để triển khai thực hiện. Thực tế, tử đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn của Hà Nội cũng đã quyết liệt, tổ chức được 46 phiên giải trình ở cấp huyện, 680 phiên giải trình ở cấp xã theo các hình thức từ quy củ giống như ở Thường trực HĐND Thành phố hay hẹp hơn, gắn với phiên họp Thường trực HĐND định kỳ hàng tháng hoặc dưới dạng giải trình làm rõ các nội dung sau đợt giám sát chuyên đề.

Bài học kinh nghiệm trong tổ chức chất vấn, giải trình hiệu quả ở HĐND thành phố Hà Nội

Có thể thấy, mô hình tổ chức chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên giải trình của Thường trực HĐND như ở Hà Nội tổ chức quy củ, thời lượng dài, tính chất quan trọng và đều là dưới dạng hỏi - đáp, đi thẳng vào nội dung và làm rõ những vướng mắc, phương hướng, lộ trình giải quyết đến tận cùng của vấn đề, rất thích hợp, khẳng định vai trò, vị thế đối với HĐND ở cấp tỉnh. Từ thực tiễn hiệu quả của Hà Nội, chúng tôi thấy rằng:

* Về hình thức chất vấn, giải trình:

Ngoài yếu tố về chủ thể và thời gian có sự khác nhau giữa hoạt động chất vấn và giải trình thì cần phân biệt và định hướng rằng hoạt động chất vấn tập trung vào làm rõ trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được chất vấn; còn giải trình tập trung làm rõ những vướng mắc, tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị có liên quan. Nội dung yêu cầu giải trình có thể rộng hơn, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, một cơ quan, một lĩnh vực; trong khi vấn đề đưa ra chất vấn có thể là những nội dung rất cụ thể, những hiện tượng phát sinh trong đời sống xã hội thường ngày và thông thường chất vấn về những tồn tại, yếu kém, bất cập… Như vậy, phiên giải trình được coi gần như một cuộc rà soát, kiểm tra của Thường trực HĐND đối với cơ quan nhà nước cấp mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc để đánh giá một chính sách đang thực hiện để có thể sửa đổi, bổ sung… Qua đó cùng hướng tới mục tiêu giải quyết những vướng mắc, hạn chế nếu có, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị thực hiện tốt các nghị quyết HĐND đã ban hành, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương. Riêng đối với cấp tỉnh, cần thiết có phiên giải trình của Thường trực HĐND tổ chức quy mô, quy củ, khẳng định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; ở cấp huyện, cấp xã cần có sự linh hoạt vận dụng, tổ chức theo các mô hình phù hợp.

Trong các phiên chất vấn tại kỳ họp, giải trình của Thường trực HĐND Thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên và người đứng đầu các sở, ngành Thành phố, các cơ quan đơn vị có liên quan đều được triệu tập để sẵn sàng trả lời các câu hỏi chất vấn, tái chất vấn của đại biểu và yêu cầu giải trình của Thường trực HĐND.

Người trả lời chất vấn, giải trình ngoài việc trả lời trực tiếp bằng văn bản còn có sự đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu và người trả lời nhằm làm rõ hơn các nội dung, tạo không khí dân chủ, cởi mở, nghiêm túc.

Chất vấn và giải trình phải rõ ràng, đi thẳng vào nội dung, nêu rõ nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục những sai sót, hạn chế làm cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc thực hiện vấn đề đã tiếp thu, ghi nhận

Các phiên chất vấn, giải trình đều được truyền hình trực tiếp và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp nhân dân theo dõi, tiếp nhận thông tin trực tiếp và đầy đủ hơn, đồng thời cũng nâng cao hơn trách nhiệm của người trả lời chất vấn, giải trình cũng như đại biểu HĐND thành phố.

* Về nội dung các phiên chất vấn, giải trình:

Để chuẩn bị tốt cho các phiên chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND, cần có sự chủ động, kỹ càng trong chuẩn bị nội dung. Nội dung được chọn lọc từ nhiều kênh, từ giám sát của đại biểu và các Ban của HĐND Thành phố, từ dư luận xã hội, từ kiến nghị của cử tri tại các cuộc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND Thành phố, tập trung vào các vấn đề lớn, nổi cộm được Nhân dân quan tâm. Đặc biệt, cần rà soát, tổng hợp kỹ việc thực hiện các kết luận chất vấn, giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, việc thực hiện chức trách của các cơ quan có liên quan.

Cùng với đó, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đối với các nội dung dự kiến đưa ra. Thực tế tại Hà Nội, nhiều nội dung chất vấn, giải trình đều có sự chỉ đạo sát sao, có nội dung được “đặt hàng” trực tiếp từ đồng chí Bí thư Thành ủy nên chất lượng, kết quả của chất vấn, giải trình luôn được chú trọng và đạt hiệu quả thiết thực.

Sau khi có kế hoạch, chủ đề nội dung về tổ chức chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND sẽ giao cho các Ban, Văn phòng triển khai các bước rà soát, khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan, chỉ đạo xây dựng các phóng sự trực quan, tổng hợp các nội dung cụ thể, chuẩn bị nội dung các câu hỏi chất vấn, giải trình… Đây là yếu tố rất quan trọng, được Thường trực HĐND Thành phố tập trung chỉ đạo sát sao, có văn bản phân công công việc, lộ trình thời gian cụ thể, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ”. Đồng thời, thường xuyên hội ý, giao ban để thống nhất các vấn đề phát sinh và triển khai chặt chẽ, đúng yêu cầu.

Bên cạnh đó, chú trọng cung cấp thông tin cho đại biểu, khuyến khích, động viên và gây dựng nhiều, mở rộng đối tượng đại biểu không chuyên trách làm nòng cốt, tạo sự lan tỏa trong hoạt động chất vấn, giải trình.

Điều hành của chủ tọa kỳ họp trong các phiên chất vấn, của Thường trực HĐND trong giải trình phải linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, nhưng vẫn mang tính xây dựng. Sau mỗi nội dung chất vấn, giải trình, cần thiết có tóm tắt, kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy cần để làm rõ vấn đề. Thông báo kết luận phiên chất vấn, giải trình không phải là khép lại phiên họp mà phải mở ra những nội dung mới, hướng xử lý tiếp theo và những ý tưởng hay để giải quyết các vấn đề đã đưa ra.

Sau mỗi phiên chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND chỉ đạo, phân công các Ban, Văn phòng HĐND theo dõi, đôn đốc, khi cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND và các cơ quan chuyên môn, thông báo kết quả thực hiện cho người yêu cầu chất vấn, giải trình và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện.

Ngoài ra, tại HĐND thành phố Hà Nội, số lượng đại biểu chuyên trách của các Ban HĐND Thành phố được tăng cường cũng là một trong những nguyên nhân làm nên thành công tại các phiên chất vấn, giải trình. Các đại biểu chuyên trách khách quan hơn trong việc đánh giá, suy xét các vấn đề từ việc thu nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của công dân hay qua giám sát, khảo sát thực tế; không ngại va chạm, tự tin khi phát biểu ý kiến bảo vệ các quan điểm của mình, giúp HĐND có quyết định, kiến nghị đúng đắn, phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi.

Một số giải pháp nâng cao hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh

(1) Nâng cao nhận thức về hoạt động chất vấn, giải trình:

Đối với đại biểu HĐND, Thường trực HĐND thì hoạt động chất vấn, giải trình không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm trước Nhân dân, trước cử tri. Trong quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật... phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ. Bên cạnh đó cần coi hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên giải trình của Thường trực HĐND cũng là cơ hội để phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc để cùng UBND và các cơ quan tìm giải pháp khắc phục; đó cũng là cơ hội để UBND thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt quan để được sự chia sẻ của đại biểu và cử tri, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ.

(2) Về chuẩn bị nội dung cần thực sự chủ động, chuẩn bị sớm theo kế hoạch từ trước và theo chương trình giám sát đã được kỳ họp HĐND thông qua (đối với phiên giải trình); báo cáo và tranh thủ sự chỉ đạo, quam tâm của cấp ủy địa phương. Chủ đề, nội dung chất vấn, giải trình phải có sự chuẩn bị kỹ càng, thu thập đầy đủ thông tin, tiến hành khảo sát sâu, trực tiếp từ cơ sở hoặc các vụ việc điển hình. Có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Thường trực, các Ban, Văn phòng HĐND với UBND và các cơ quan chuyên môn, các đơn vị khác có liên quan. Việc đặt câu chất vấn, yêu cầu giải trình cần đúng trọng tâm, thiết thực, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Cần thiết phải bố trí có những bộ phận đại biểu, Ban HĐND có hiểu biết sâu về nội dung đưa ra, chuẩn bị kỹ càng các tài liệu để có thể tái chất vấn, tranh luận với tinh thần theo đến cùng vấn đề, thể hiện trách nhiệm của HĐND Thành phố trước cử tri và nhân dân.

(3) Về công tác điều hành của chủ tọa: Chủ tọa điều hành phải đúng luật, dân chủ, khoa học. Chủ tọa cần tìm hiểu, nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra chất vấn, giải trình. Điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích tái chất vấn, đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản, hoặc trả lời vào phiên họp sau.

(4) Đối với người trả lời chất vấn, thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm giải trình: Nội dung trả lời chất vấn, giải trình phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đầy đủ theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ cái đúng, cái sai, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục khả thi kèm theo. Thủ trưởng cơ quan trả lời chất vấn, giải trình phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.

(5) Về trách nhiệm của đại biểu HĐND: Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung, đảm bảo yêu cầu chất vấn, giải trình mang tính xây dựng và đúng quy định pháp luật.

(6) Sau khi tổ chức chất vấn, giải trình, cần ra thông báo kết luận hoặc ra Nghị quyết về các nội dung chất vấn nếu thấy cần thiết. Thường trực HĐND, các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa của UBND và các ngành liên quan đến nội dung được kết luận tại phiên chất vấn, giải trình; tạo sự đồng thuận để thúc đẩy công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn; có sự cảm thông, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm giữa HĐND, UBND và cử tri với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã được HĐND quyết định.

(7) Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong tuyên truyền các hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động chất vấn, giải trình. Hoạt động chất vấn, giải trình cần công khai, phối hợp truyền hình, phát thanh trực tiếp; cũng như đăng tải các phóng sự, phỏng vấn về các nội dung được chất vấn, giải trình, đánh giá cửa cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, toàn bộ các văn bản, tài liệu, các nội dung trả lời chất vấn, giải trình cần đăng tải công khai trên Trang TTĐT của HĐND cũng như các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát./.

QUỐC THỊNH (VP HĐND TP)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    607 người đã bình chọn
    Thống kê: 3.885.001
    Online: 96