Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV, đồng chí đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng đại biểu Nguyễn Phi Thường - Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa; đại biểu Đào Tú Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân Tối cao đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các sở, ban, ngành.

Tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân
Báo cáo với cử tri, đại biểu Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 20-10 đến 17-11-2020 và chia làm 2 đợt, đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại hội trường. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật, đồng thời xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền. Tại các hội nghị, đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri về trả lời của các bộ, ngành trung ương và UBND thành phố Hà Nội đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc sau kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri dự hội nghị bày tỏ đồng tình cao với phần tổng hợp trả lời các kiến nghị của cử tri ở kỳ họp trước. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và UBND thành phố Hà Nội. Kỳ họp thứ Mười là kỳ họp cuối nhiệm kỳ 2016-2021, vì thế, cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sớm tổng kết các hoạt động của mình để báo cáo với cử tri. Trong đó, nêu rõ những nội dung đã thực hiện theo lời vận động tranh cử, qua đó để cử tri đề xuất, giới thiệu các đại biểu tín nhiệm tiếp tục tham gia bầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới.
Bên cạnh đó, một số cử tri cũng tiếp tục phản ánh, kiến nghị với Quốc hội xem xét một số vấn đề còn bất cập, tồn tại liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất đai ở các địa phương; cấp đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất; việc thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến nhân khẩu, thẻ căn cước công dân; điều chỉnh địa giới hành chính các tổ dân phố; công tác quản lý chung cư ...
Trong đó, cử tri Lê Đình Can ( phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho rằng, kỳ họp thứ Mười, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua, cho ý kiến vào nhiều dự án luật, trong đó một số dự án luật sửa đổi, bổ sung. Vì thế, cử tri đề nghị trước khi thảo luận xem xét các dự án luật sửa đổi, Quốc hội cần tổng kết, đánh giá những ưu, nhược điểm, để từ đó xây dựng các dự án luật mang tính lâu dài, ổn định. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét thay đổi chính sách quản lý đất xen kẹp ở các địa phương, trình tự cấp phép các dự án, để tránh thiệt hại về kinh tế đất đai của nhà nước.

Cử tri quận Hà Đông phát biểu ý kiến
Cử tri Nguyễn Duy Vang (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cũng đề nghị Quốc hội xem xét việc điều chỉnh địa giới hành chính 8 tổ dân phố phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) và 2 tổ dân phố phường Mai Dịch (quận Nam Từ Liêm). Việc này đã được triển khai 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh được.
Cử tri Nguyễn Đắc Hùng (phường Đồng Mai, quận Hà Đông) cho rằng, hiện nay, hơn 300 hộ dân phường nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy, nên việc cấp phép xây dựng rất khó khăn. Đề nghị nhà nước khi thực hiện cắm mốc giới hàng lang thoát lũ, thì cũng sớm thực hiện di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này ra khu vực khác để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, liên quan đến tồn tại trong cấp đất dịch vụ, cử tri các phường: Kiến Hưng, Đồng Mai, Phú Lương (quận Hà Đông) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và thành phố sớm xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để quận Hà Đông tiếp tục cấp đất dịch vụ theo đề án trước đây, người dân ổn định cuộc sống...
Tại các hội nghị, dưới sự chủ trì của chủ tọa, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo các địa phương đã giải đáp và tiếp thu các ý kiến cử tri nêu liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm đơn vị.
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc cử tri, Phó Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri. Đồng thời khẳng định, so với đầu nhiệm kỳ, đợt tiếp xúc cử tri lần này, các ý kiến ít hơn rất nhiều. Điều đó phản ánh, các kiến nghị của cử tri đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp, chuyển tải đến nghị trường, đôn đốc các cơ quan chức năng tiếp thu, trả lời. Các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã trách nhiệm, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Về chương trình, nội dung kỳ họp thứ Mười của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, mặc dù thời gian ngắn, nhưng Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 bộ luật, 40 báo cáo của các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội. Ngoài xây dựng dự án luật, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo theo quy định và thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cử tri tiếp tục theo dõi hoạt động của Quốc hội và các cơ quan chính quyền, để góp ý, đề xuất, để các đại biểu gần gũi, nắm nhiều thông tin sát thực tiễn để phản ánh với Quốc hội.
Đồng tình với ý kiến tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và báo cáo với cử tri, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, không chỉ vào cuối nhiệm kỳ, mà căn cứ vào quy định của luật, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là thường xuyên liên hệ với cử tri, lắng nghe ý kiến, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri để báo cáo những việc làm của mình theo chương trình hành động. Thời gian tới, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cũng sẽ trực tiếp báo cáo cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của luật.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội là điểm sáng của cả nước. Tại các kỳ họp, sự tham góp của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội rất trách nhiệm, chất lượng, đáp ứng yêu cầu các phiên họp thảo luận chuyên đề. Mong rằng, kỳ họp thứ Mười, các cử tri tiếp tục theo dõi, giám sát, tham góp ý kiến để các đại biểu hoạt động hiệu quả hơn ”- Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.