Phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã diễn tháng 5-2023 vừa qua được các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ vấn đề, tập trung vào việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tại phiên chất vấn, chính quyền các cấp Thành phố đã cam kết giải quyết các vấn đề tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách lĩnh vực này, mong rằng cử tri tiếp tục đồng hành với HĐND Thành phố theo dõi, giám sát.

Cam kết 5 nội dung với cụ thể mốc thời gian

Phiên chất vấn đã có 21 lượt đại biểu phát biểu chất vấn và tranh luận, làm rõ các vấn đề thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Rhành phố. Nội dung trả lời của người được chất vấn cơ bản đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp, cam kết về lộ trình, thời hạn khắc phục trong thời gian tới. 

Cụ thể, UBND thành phố cam kết trong tháng 5-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt giá khởi điểm và phương án đấu giá quyền sử dụng đất Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu giết mổ tập trung Bình Minh, huyện Thanh Oai.

Đối với Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (trước đây là Dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ), UBND Thành phố cũng nhất trí đối với đề nghị UBND Thành phố tổ chức thanh tra dự án trong tháng 5-2023, báo cáo Thường trực HĐND Thành phố kết quả theo quy định. Trong quá trình tổ chức đoàn thanh tra có mời các Ban của HĐND Thành phố tham gia.

Về triển khai Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông, trong tháng 5-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND Thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động khuyến nông theo quy định tại Điều 36 Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24-5-2018 của Chính phủ về khuyến nông.
Về triển khai Nghi định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND Thành phố cam kết đến quý III-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trình UBND Thành phố xem xét, ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ.

Về các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, UBND Thành phố cũng khẳng định, trong tháng 5-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND Thành phố các nội dung rà soát, điều chỉnh các khu, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố.

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, sở dĩ có những cam kết trên vì thực tiễn, việc triển khai quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch chung của Thành phố còn chưa rõ nét, chưa có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra. Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 được HĐND Thành phố thông qua, được UBND Thành phố phê duyệt làm cơ sở để UBND Thành phố ban hành danh mục các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tuy nhiên đến nay cần điều chỉnh, rà soát lại. Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp chưa được các cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, xử lý kịp thời và đề xuất tháo gỡ về thủ tục đất đai, xây dựng, quản lý vệ sinh môi trường...

Cử tri đồng hành giám sát cùng đại biểu

Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho rằng, tại xã Đại Đồng, nhiều năm nay không thể lập quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, bởi từ năm 2008, Thành phố đã quy hoạch vùng này là khu đô thị sinh thái với diện tích gần 300ha. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch chậm, nên người nông dân làm nông nghiệp vẫn manh mún, hạ tầng vùng sản xuất không được đầu tư cải tạo, nâng cấp, các hộ dân địa phương không dám mở rộng đầu tư để phát triển sản xuất. Mong rằng, sau phiên chất vấn của HĐND Thành phố, lĩnh vực này sẽ được thúc đẩy, để người dân có hướng, yên tâm sản xuất.

Mong muốn Thành phố sớm bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, ông Bùi Hoàng Hưng (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) giãi bày, huyện Gia Lâm được quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả, trồng ổi tại xã Đông Dư và trồng cam tại xã Kiêu Kỵ, nhưng đến nay quy hoạch trên có thay đổi, cần điều chỉnh, cập nhật, bổ sung, nhưng rất chậm. Vì thế, tại xã Kim Sơn, có hơn 243ha trồng cây ăn quả, nhưng chưa được cập nhật vào danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nên nông dân sản xuất tại khu vực này đã không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Còn ông Nguyễn Đình Hải (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ) lại chia sẻ, trong khi rất nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao, thì trên địa bàn xã xuất hiện mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng “Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay". Dự án này đã được HĐND thành phố truy vấn tại phiên chất vấn, đề nghị thanh tra vào cuộc,  mong là thời gian tới sẽ có kết quả.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định, thực tế một số chính sách của Trung ương và Thành phố chưa được tham mưu triển khai đầy đủ, kịp thời; một số chính sách kết quả thực hiện còn hạn chế và chưa thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống. Việc phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố và UBND quận, huyện, thị xã trong hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận và nhận hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách còn nhiều thủ tục, chưa thuận lợi, kết quả cũng chưa cao. 

Vì thế có thể khẳng định, những vấn đề HĐND Thành phố chất vấn thực sự đã “trúng” và mong rằng những cam kết của UBND Thành phố sớm trở thành hiện thực./.

Vũ Thủy


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    607 người đã bình chọn
    Thống kê: 3.884.661
    Online: 66