Thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đến tiếp xúc cử tri, tổng hợp gửi các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và giám sát việc giải quyết theo quy định.
 
Nhiều kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước
 
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổng hợp 1.801 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn. Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp liên quan kiểm tra, rà soát việc giải quyết, trả lời cử tri; tổng hợp và báo cáo HĐND thành phố kết quả thực hiện đúng thời hạn yêu cầu. 
 
Tuy vậy, theo dõi tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố tháng 7-2023 cho thấy, đến nay, còn 271 kiến nghị đang giải quyết (trên tổng số 1.593 kiến nghị, tỷ lệ 17%). Các kiến nghị đang giải quyết chủ yếu liên quan đến đề nghị đầu tư xây dựng hạ tầng, trường học, thực hiện chương trình nông thôn mới, triển khai dự án ngoài đê sông Hồng, các dự án bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề... là những vấn đề phức tạp, sử dụng vốn lớn, phải rà soát, cân đối, sắp xếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên cần có thời gian triển khai theo trình tự, thủ tục, xử lý, không thể giải quyết ngay. 
 
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết, công tác tiếp nhận, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND quận chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, 82% kiến nghị của cử tri được giải quyết, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở.  
 
Hay như ở Tây Hồ, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Lê Thị Thu Hằng cũng cho rằng, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, toàn quận có 220 ý kiến cử tri và đã trả lời 220 (tỷ lệ 100%); đến nay có 182 ý kiến giải quyết xong (tỷ lệ 82,7%), đang giải quyết 38 ý kiến ( tỷ lệ 17,3%). 
 
“Việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri được Thường trực HĐND các cấp thành phố, đặc biệt là cấp huyện thực hiện đổi mới, quy củ, đúng quy định và đạt chất lượng, hiệu quả rất thiết thực. Trong đó, HĐND thành phố và một số đơn vị đã ban hành các nghị quyết về giải quyết kiến nghị cử tri thường xuyên tại các kỳ họp thường lệ là bước tiến quan trọng nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị, thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định.
 
Kinh nghiệm cần phát huy
 
Dù có nhiều cố gắng, song mới đây, tại hội nghị giao ban về công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, việc tổng hợp, thông tin kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đến cử tri còn chưa rộng khắp. 
 
Đại biểu HĐND các quận huyện: Hà Đông, Đống Đa, Mê Linh, Thanh Trì, Phú Xuyên, Ba Vì…cho rằng, một số nơi, công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết của các ban HĐND đối với lĩnh vực phụ trách và của tổ đại biểu đối với các kiến nghị cử tri trên địa bàn còn chưa chặt chẽ, kỹ càng. Việc giám sát kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đã từng bước được đổi mới, triển khai hiệu quả nhưng còn chung chung, chưa kỹ và sâu, đi vào cụ thể các vấn đề trong việc giải quyết, tiến độ thực hiện, các cam kết trước đó để nâng cao hiệu quả thực chất việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. 
 
Đáng lưu ý, công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương, trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu sót, nhất là công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và quản lý đô thị, quản lý nhà chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận nguồn gốc đất và việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án. Nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài qua các thời kỳ, quá trình giải quyết phải thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, trong khi việc lưu trữ tài liệu trong lĩnh vực quản lý đất đai ở cấp cơ sở còn hạn chế; quá trình chuyển đổi vị trí công tác, bàn giao nhiệm vụ, tài liệu không đầy đủ, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và chất lượng giải quyết. Bộ máy giúp việc của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử về công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư; theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn thiếu về số lượng chậm được bổ sung, có nơi yếu về chất lượng.
 
Để hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri hợp tình, hợp lý đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mỗi đại biểu HĐND các cấp cần không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động trên các mặt. Trong đó, Thường trực HĐND các cấp tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu HĐND và công chức tham mưu, giúp việc về công tác tiếp xúc cử tri, kỹ năng tiếp công dân, giám sát giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu HĐND được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để HĐND và đại biểu HĐND nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng, ý chí của người dân và làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri.
 
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Việt cho rằng, để nâng cao chất lượng, cần thiết ngay ở HĐND các cấp, nên có quy trình tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri và công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một cách chi tiết, khoa học, hiệu quả và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm chuyên biệt. 
 
Đặc biệt, bộ phận giúp việc lĩnh vực này cần có kinh nghiệm, trình độ, để tham mưu, rà soát, phân loại, tổng hợp kiến nghị cử tri; tăng cường các hình thức trao đổi, tuyên truyền, phổ biến thông tin về kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng tới cử tri; qua đó các kiến nghị cử tri được tổng hợp đảm bảo rõ ràng về nội dung, tránh tình trạng chung chung, không đúng thẩm quyền giải quyết./.

Vũ Thuỷ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    771 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.596.685
    Online: 31