Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Văn bản số 3861/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 15/8/2022 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến, nội dung như sau: “Thời gian vừa qua tình trạng trẻ em bị bạo hành và bị áp lực về học tập gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng trên, phát hiện và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các cháu, đề nghị nghiên cứu, có giải pháp để giải quyết tình trạng trên, gắn được trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề này.
Về nội dung này, Bộ GDĐT trả lời như sau: Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo hành và bị áp lực về học tập gia tăng, phát hiện và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các em học sinh, Bộ GDĐT đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả sự phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội, cụ thể: Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng ngừa bạo lực học đường, nâng cao chất lượng, hiệu quả và từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục, nâng cao trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm và có giải pháp phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường, phòng tránh những sự việc đáng tiếc, đặc biệt trước, trong và sau khi các kỳ thi diễn ra ; thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan để kịp thời tiếp thu, xử lý thông tin thường xuyên, đột xuất liên quan đến học sinh, đặc biệt là trường hợp học sinh bị bạo hành và bị áp lực học tập.
Tổ chức triển khai nhiều hoạt động về tư vấn tâm lý trong trường học như: tọa đàm, chương trình đồng hành cùng học sinh mùa Covid năm 2020, tập huấn, khảo sát, hội nghị, cung cấp tài liệu tập huấn về tư vấn tâm lý cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông nhằm mục đích truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục; bên cạnh đó còn nhằm mục đích đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện tư vấn tâm lý trong trường học, từ đó xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển tư vấn tâm lý trong trường học, nâng cao chất lượng hiệu quả của tư vấn tâm lý trong tư vấn, hỗ trợ học sinh, đặc biệt là học sinh có khó khăn tâm lý tại các cơ sở giáo dục.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn hóa học đường, nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, trong đó xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của các nhà trường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường và tư vấn, hỗ trợ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế; chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cộng đồng về vai trò của tư vấn tâm lý học đường; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật và đạo đức trong thực hiện tư vấn tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục.
Xem văn bản tại file đính kèm./.