Trong hai ngày 07-08/9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Hội đồng dân tộc Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách Trung ương và 18 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm thuộc 10 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu dự hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình công tác năm 2022, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Khóa XV đã tổ chức thành công bốn kỳ họp, gồm ba kỳ họp thường kỳ và một kỳ họp bất thường; ban hành 8 luật, cho ý kiến lần đầu 6 dự án luật khác; ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, các nhà khoa học, trong đó có sự đóng góp quan trọng và tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-18/8/2022 để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị này để các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đăng ký tham gia hội nghị, cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian của kỳ họp.
Tại hội nghị, đại biểu đã cho ý kiến vào 6 dự án Luật và 1 dự thảo nghị quyết, đó là: dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị
Góp ý tại hội nghị, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội hoan nghênh Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, điều này thể hiện rất rõ Quốc hội đã bám sát vào thực tiễn cuộc sống của dân, vì tình hình của đất nước.
Về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội, tại Điều 12 về tổng kết kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nội dung quan trọng nhất đó là đánh giá chất lượng kỳ họp, chất lượng của đại biểu tham gia của kỳ họp cần được cân nhắc, đánh giá cụ thể.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm chủ tọa - người được phân công điều hành kỳ họp, tại khoản 2 điểm b quy định: “mời từng đại biểu Quốc hội phát biểu theo thứ tự đăng ký”, theo đại biểu điều này là đúng quy định tuy nhiên đề nghị cần đảm bảo số đại biểu được phát biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội, ví dụ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bởi mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu là độc lập, không có đại biểu nào thay mặt đại biểu khác trong Đoàn ĐBQH phát biểu. ĐBQH chỉ đại diện cho cử tri phát biểu, trong khi đó số lượng cử tri ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh là 9-10 triệu dân khác với những tỉnh, thành có số cử tri ít hơn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn ban soạn thảo cân nhắc kiến nghị có thể cho Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 5 đại biểu phát biểu.
Về thời gian tranh luận, đại biểu đề nghị không quá 3 phút để nói rõ vấn đề, nói quá ngắn sẽ không nói hết vấn đề, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đồng tình với quy định tại Điều 5 về khách được mời tham dự Kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành dự các phiên chất vấn. Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn. Điều 6 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, theo đại biểu tên gọi như vậy chưa đủ ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung tên Điều 6: “Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với kỳ họp Quốc hội”.
Về việc vắng mặt tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu đề nghị được phép thì đại biểu mới có thể nghỉ; đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 30% thời gian kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo có biện pháp để đảm bảo đại biểu Quốc hội được thực thi nhiệm vụ, hoàn thành trách nhiệm đại biểu Quốc hội, trong đó đặc biệt là quyền được thể hiện chính kiến của mình. Phát biểu của đại biểu có ý kiến chín, có ý kiến chưa chín, thậm chí là trái chiều, thậm chí là khác biệt, phải thấy đó là dân chủ, đó là cần thiết, quyết định vẫn là bấm nút cuối cùng, đừng vì những ý kiến chưa chín, chưa hay mà phản đối, phê phán bới móc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cần có biện pháp để bảo vệ đại biểu Quốc hội.
Về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần có Ban Thanh tra Nhân dân ở cấp xã, phường nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra Nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.
Về nội dung công khai, Điều 11, Khoản 3 của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Nguyễn Anh trí nêu quan điểm là cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ và nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, cần có quyết định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị
Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội quan tâm đến cơ chế tài chính của bệnh viện công. Bởi vì đây là nội dung hết sức quan trọng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều, rất cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu là nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thấy có điều riêng cho nội dung này.
Về nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà có ý kiến bổ sung vào Điều 4 chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh như sau: Bổ sung thêm cụm từ “đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển” vào ý đầu tiên của Điều 4: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho ý kiến về vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, cụ thể, điều 106 của dự thảo Luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Theo đại biểu, chỉ quy định "tính đủ” thì sẽ không đảm bảo được việc tính đúng. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các quy định của Luật đi vào đời sống và tạo được hiệu quả rõ ràng khi Luật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn./.