Sáng 12/9/2022, HĐND thành phố Hà Nội, khóa XVI đã tổ chức kỳ họp thứ chín (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Quang cảnh kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; đại diện các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của thành phố; trên cơ sở thống nhất với UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Thường trực HĐND thành phố quyết định triệu tập kỳ họp thứ chín để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Kỳ họp này là kỳ họp chuyên đề, nhưng cũng là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng được xem xét, thông qua với những nhóm vấn đề sau: Một là, HĐND thành phố xem xét về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đây là nội dung rất quan trọng, cấp thiết, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố. Nội dung này đã được HĐND thành phố tập trung thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy (trong tháng 7/2022). Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố, UBND thành phố đã tập trung hoàn thiện Đề án và dự thảo Nghị quyết để trình HĐND thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
Đại biểu dự kỳ họp
Hai là, HĐND thành phố xem xét nhóm vấn đề về kế hoạch đầu tư công của thành phố. Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai các công trình dự án còn chậm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn thấp, đến ngày 22/8, mới đạt tỷ lệ giải ngân là 27,1% so với kế hoạch HĐND thành phố giao.
Vì thế, tại kỳ họp này, bên cạnh việc xem xét, quyết nghị về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố và phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương một số dự án đầu tư công, đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung phân tích, đánh giá, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời bàn các giải pháp có tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là giải quyết các "điểm nghẽn, ách tắc" trong giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp
Ba là, HĐND thành phố sẽ xem xét quyết định về mức hỗ trợ, động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố. Đây là nội dung quan trọng, cấp thiết và rất có ý nghĩa; thể hiện sự quan tâm của thành phố trong việc ghi nhận những đóng góp, cố gắng, đồng thời hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập của thành phố yên tâm công tác, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Bốn là, Nghị quyết về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 và cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố. Trong năm 2022 vừa qua, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐND thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2021-2022.
Thực hiện Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định.
Hiện nay, về cơ bản, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi và ổn định. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Chính phủ, với quan điểm đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh học sinh và để bảo đảm an sinh xã hội, thành phố xây dựng phương án mức thu học phí năm học 2022-2023 giữ nguyên như năm học 2021-2022 (gồm cả phần thành phố hỗ trợ 50% học phí).
Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp
Phần chênh lệch giữa mức thu thực tế so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định số 81/NĐ-CP sẽ do ngân sách thành phố cấp bổ sung. Ngoài chính sách trên, thành phố còn xây dựng cơ chế miễn học phí cho 2 nhóm là: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc địa bàn các xã miền núi và một số đối tượng chính sách, khó khăn theo quy định.
Năm là, HĐND thành phố xem xét, quyết định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền và xem xét điều chỉnh tổng biên chế, giao bổ sung biên chế giáo viên năm học 2022-2023 theo Quyết định số 72 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị.
Sau phần khai mạc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn đã trình bày tờ trình về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; tờ trình về Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; tờ trình cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trình bày tờ trình tại kỳ họp
Để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng trên, trước khi thông qua nghị quyết vào chiều cùng ngày, HĐND thành phố đã chia 5 tổ thảo luận về các nội dung trên. Theo đó, các đại biểu tập trung đánh giá, thảo luận về nội dung ngoài việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thì cũng cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục, trình tự, thời gian xử lý công việc đối với các quy trình như: Quy trình nội bộ của từng cơ quan, đơn vị; quy trình phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của từng cấp; quy trình phối hợp giữa UBND với các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn thuộc UBND các cấp để thông qua đó đẩy mạnh việc giải quyết công việc, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.
Các đại biểu thảo luận tại tổ 1
Các tổ cũng thảo luận về công tác tác kiểm tra, giám sát sau phân cấp; công tác phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phân cấp của chính quyền cấp dưới, đảm bảo các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội ổn định, thông suốt.
Riêng về xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân cấp một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, các đại biểu đã tập trung đánh giá về các lĩnh vực được sửa đổi ngay trong dự thảo Nghị quyết gồm: Quản lý đường bộ; phân cấp điện chiếu sáng cho cấp huyện, quản lý lĩnh vực di tích... và các nội dung đề xuất mới như: Đầu tư, duy tu chợ hạng 1, 2, 3 cho cấp huyện; cấp huyện đầu tư, duy tu, bảo trì các trường trung học phổ thông; quản lý tượng đài, tranh hoành tráng…
Các đại biểu thảo luận tại tổ 4
Nhiều đại biểu đã thảo luận về một số nội dung qua ý kiến thẩm tra của các ban HĐND thành phố như: Hiện nhiều tượng đài được xây dựng gắn liền với các vườn hoa, công viên do thành phố quản lý, do đó việc phân cấp cho cấp huyện quản lý các tượng đài này có gây chồng chéo hay không? Tranh hoành tráng như Con đường gốm sứ nằm trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, quy định phân cấp như dự thảo là giao các quận quản lý là có vi phạm nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống trong quản lý, nguyên tắc giảm đầu mối quản lý và đảm bảo hiệu quả quản lý?
Các đại biểu thảo luận tại tổ 5
Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngân sách cấp thành phố, các đại biểu cũng tập trung đánh giá về kết quả đạt được, nguyên nhân tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 chậm so với yêu cầu, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp (tính đến ngày 22-8, chỉ đạt khoảng 27,1% kế hoạch giao). Đánh giá tình hình giải ngân theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu; làm rõ địa chỉ của các đơn vị, chủ đầu tư, dự án thực hiện giải ngân đạt khá và đơn vị, chủ đầu tư, dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung làm rõ thêm các nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc triển khai thủ tục chậm, giải ngân chậm…
* Chiều cùng ngày, HĐND thành phố tiếp tục làm việc, xem xét, biểu quyết thông qua các nghị quyết.