Sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc kỳ họp thứ sáu với việc xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự phiên bế mạc kỳ họp.

Sáng 29-11, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu.


Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên bế mạc kỳ họp.

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội...


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với những kết quả đạt được, kỳ họp thứ sáu đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của kỳ họp. Nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh nội dung, chương trình vẫn bảo đảm sự thông suốt, hiệu quả với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đại diện HĐND của 63 tỉnh, thành phố cũng đã dự thính để theo dõi trực tiếp một số phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp. Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

“Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp.

Xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ, kỳ họp đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, bảo đảm chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật…

Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31-12-2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án.

Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên.

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024.


Quang cảnh phiên họp.

Bảo đảm ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18-9-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tư vấn tâm lý học đường, các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, nhất là khắc phục tình trạng bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Về lĩnh vực y tế, Nghị quyết yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từng bước khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền, khu vực trong cả nước. Trong năm 2024, có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Bảo đảm đủ vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế. Trong năm 2024, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan Bảo hiểm xã hội nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Nghị quyết yêu cầu chậm nhất đến hết năm 2025, các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021. Tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định./.

Nguyễn Hiếu - Theo Báo Hà Nội Mới


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    723 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.337.355
    Online: 16