Thực hiện chương trình công tác năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đã tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2011- 2016.
Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND Thành phố Quy định phân công trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn Thành phố và thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ...
Công tác quản lý nhà nước về ATTP được phân công, phân cấp cho các sở, ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND thành phố Hà Nội. Ngành y tế quản lý 32.221 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; ngành nông nghiệp quản lý 20.390 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, 06 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 16 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 03 khu giết mổ thủ công, 1.047 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; ngành công thương quản lý trên 7.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 117 siêu thị và 22 trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố...
Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã được các sở, ngành, UBND các cấp quan tâm. Trung bình 1 năm ngành y tế cấp Thành phố cấp 830 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, số cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hạn là: 2.617 cơ sở; các quận, huyện, thị xã cấp 7.406 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Ngành công thương cấp 2.403 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Ngành nông nghiệp lũy kế đến nay, có 2.200 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực.
Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đặc biệt chú trọng, tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế đã kiểm tra 4.982 lượt cơ sở, phát hiện 1.177 lượt cơ sở vi phạm, 975 cơ sở vi phạm bị xử lý trong đó 728 cơ sở vi phạm bị phạt tiền với số tiền là: 6.828.787.000 đồng. Số cơ sở ngành nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra từ năm 2011 đến nay là 45.928 lượt cơ sở, phát hiện 6.574 cơ sở không đạt yêu cầu, (chiếm 14,3%). Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện giám sát các mẫu nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản...Từ năm 2011 đến nay, đã lấy 9.850 mẫu, tỷ lệ mẫu vi phạm 4,61%. Ngành công thương, từ năm 2011 đến tháng 8/2016 đã kiểm tra và xử lý 8.087 vụ vi phạm về chất lượng và ATTP, phạt hành chính 43,409 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng 43,197 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn một số hạn chế, tồn tại: Tình trạng vi phạm các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại khá phổ biến như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn sử dụng; không xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ và trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; sản xuất hàng hóa sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quy trình sản xuất còn thủ công, chưa khép kín, không đảm bảo các quy định về ATTP…Công tác quản lý về ATTP tại một số chợ còn hình thức, thiếu chặt chẽ, chủ yếu qua cảm nhận và hóa đơn chứng từ nhất là đối với các chợ tạm, chợ cóc. Công tác kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc được nhập từ nước ngoài, từ các địa phương khác vào tiêu thụ tại Hà Nội tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tuy đã hạn chế song vẫn còn xảy ra ở một số nơi như: không có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, buôn bán thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hoạt động chăn nuôi, giết mổ, gia súc, gia cầm, công tác vệ sinh thú y, kiểm dịch động, thực vật nhìn chung còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra trên địa bàn, chưa được xử lý triệt để.
Đoàn giám sát đã kiến nghị với UBND Thành phố, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng khu chăn nuôi, giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh theo quy định. Chỉ đạo xử lý tình trạng các chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện và hoàn thành xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch. Nghiên cứu thành lập Ủy ban về ATTP của thành phố Hà Nội. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và các phương tiện cần thiết phục vụ công tác phát hiện, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP. Bố trí hợp lý nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm dành cho công tác quản lý chất lượng ATTP tại địa phương, đặc biệt là cấp xã; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn.
Đối với các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tích cực tham mưu, đề xuất với Thành phố các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Có chế tài xử phạt thật nặng, nghiêm minh, thậm trí thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị, cá nhân sản xuất không đảm bảo vệ sinh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh hoặc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản. Thực hiện niêm yết công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chế biến thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm về ATTP, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Tăng tần suất kiểm tra thức ăn đường phố và các bếp ăn tập thể theo quy định. Phối hợp kiểm soát chặt chẽ thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội, các sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, nhất là tại các chợ đầu mối. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm ATTP.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định về ATTP, không sản xuất, bán các sản phẩm không an toàn; không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc; phát hiện, trình báo với các cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm ATTP. Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, xác nhận kiến thức về ATTP, cam kết bảo đảm ATTP theo phân cấp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bố trí đủ kinh phí, cán bộ chuyên môn phụ trách công tác ATTP theo phân cấp của Thành phố. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành đúng các quy định về ATTP; quy trình sản xuất; đảm bảo an toàn cho người lao động. Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước quận, huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã; Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy- HĐND- UBND Thành phố nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về ATTP...
TÚ ANH