Chiều 7/12, với trách nhiệm là người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu và cử tri nêu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung
Về công trình 148 Giảng Võ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong quá trình phê duyệt dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành cùng các sở, ban ngành và TP Hà Nội họp rất nhiều vòng. Các vấn đề của dự án được xem xét thấu đáo. Cụ thể, về số lượng dân cư nằm hoàn toàn trong quy hoạch ở vùng nội đô. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu góp ý và băn khoăn về vấn đề giao thông. Các nhà tư vấn thiết kế bố trí con đường ở cả 4 phía, bố trí kết nối với Kim Mã, Ngọc Khánh, Giảng Võ và tính toán kết nối đường vành đai I. Với thuyết trình của tư vấn thiết kế và chủ đầu tư, Thủ tướng đã đồng ý thông qua phê duyệt dự án này.
Về vấn đề nhà ở xã hội, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, trong thời gian qua, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên có một số dự án khi thực hiện bán, dư luận phản ánh có đối tượng không đủ tiêu chuẩn, thậm chí mua xong lại bán. Vấn đề này, TP đã cho kiểm tra lại, thì thấy đúng là có việc mua đi bán lại. Hiện có bất cập là tiêu chí quy định đối với người mua nhà ở xã hội sau 5 năm mới được bán, tuy nhiên, theo Luật Dân sự lại quy định tài sản của cá nhân, thì cá nhân được quyền sử dụng. Đây là vấn đề bất cập trong nhiều hội thảo chuyên gia đã đưa ra. Vấn đề này, TP tiếp thu, giao Sở Xây dựng trong thời gian tới quản lý chặt chẽ hơn để bảo đảm trong quá trình bán đúng đối người, đúng đối tượng sử dụng. TP cũng sẽ có ý kiến cùng Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra chính sách hợp lý nhất.
Trả lời câu hỏi của đại biểu cử tri về "Liệu 3 đến 5 năm nữa liệu hạ tầng Thủ đô có tốt hơn không?", Chủ tịch UBND TP cho rằng với tốc độ gia tăng phương tiện và dân số hiện nay thì hạ tầng chưa đáp ứng được thực tế. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi có những công trình như tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động; Phấn đấu với các nhà đầu tư Nhật Bản trong khởi công tuyến đường sắt từ Nam Thăng Long đi Trần Hưng Đạo; Trong 6 tháng gần đây, TP cũng đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, cố gắng tăng gấp đối số lượng xe buýt hiện có đến năm 2018.
"Trong các công trình trọng điểm của TP từ nay đến năm 2021 có phát triển cầu bắc qua sông Hồng, kết nối xong các vành đai 1; 2; 3; 3,5; 4... Với số lượng vành đai như vậy, chúng ta tin và hy vọng ách tắc giao thông của Hà Nội sẽ giảm bớt.
Đồng bộ với sự phát triển hạ tầng khung, TP đang triển khai giải pháp giao thông thông minh, hạn chế dần phương tiện giao thông vào nội đô bằng các biện pháp quản lý." - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Trước vấn đề ĐB nêu về lộ trình phát triển đô thị vệ tinh, người đứng đầu UBND TP cũng cho biết hiện nay Hà Nội đang ưu tiên phát triển khu đô thị Láng Hoà Lạc và Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn một cách đồng bộ. TP đang tích cực triển khai quy hoạch, lập quy hoạch, đồng thời kêu gọi đầu tư .
Liên quan đến đề xuất TP cần xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết các vấn đề nhức nhối về đô thị, Chủ tịch UBND TP nhận định, những vi phạm trật tự xây dựng đô thị và vi phạm mỹ quan đô thị nói chung đang diễn ra nghiêm trọng, nhức nhối, được nhiều đại biểu cử tri tâm tư.
Nhận thức được vấn đề này, Thường trực Thành uỷ đã quan tâm chỉ đạo, trong thời gian qua, Ban cán sự UBND TP đã họp nhiều lần để sắp xếp lại lực lượng thanh tra của Sở Xây dựng, chuyển về cho Chủ tịch UBND các quận huyện quản lý, trở thành đội kiểm tra trật tự.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết trong chiều 6/12, đã nhận văn bản của UBND quận Tây Hồ báo cáo về 4 gói dự án nạo vét bùn được thực hiện từ năm 2011 đến nay trị giá 128 tỷ đồng, trị giá quyết toán hơn 80 tỷ đồng. Riêng dự án nạo vét khu vực đường Thanh Niên, sau khi xảy ra sự cố cá Hồ Tây, UBND TP đã yêu cầu tạm dừng dự án để nghiên cứu đánh giá lại
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, báo cáo của UBND quận Hồ Tây nêu rõ, đã nạo vét được 440.000 m3 bùn, được đổ ở Đông Anh và Thanh Trì. Trong thời gian tới, khi khảo sát lại, TP sẽ có đánh giá tổng thể.
Tuy nhiên, với kết quả khảo sát, việc nạo vét chưa đáp ứng nhu cầu thực tế là làm sạch toàn bộ Hồ Tây. Chính vì vậy, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành uỷ, TP đang thuê đơn vị tư vấn đánh giá, xây dựng dự án tổng thể, biến Hồ Tây thành khu vui chơi giải trí, thu hút khách du lịch cho TP.
QUỐC THỊNH – DUY LINH