Thời gian qua, cử tri thành phố Hà Nội và một số địa phương tiếp tục phản ánh hiện nay trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin sai trái, kích động, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội. Cử tri đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ thông tin mạng, cung cấp kịp thời thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước nhằm củng cố niềm tin trong nhân dân; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền dân chủ để thông tin, tuyên truyền sai sự thật.
Trả lời vấn đề này, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, thời gian vừa qua xuất hiện trên mạng internet một số thông tin, hình ảnh thiếu chính xác, những đoạn phim, hình ảnh mang tính chất bạo lực, nhạy cảm làm ảnh hưởng không tốt đến thế hệ trẻ; thông tin sai trái, kích động, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và gây bức xúc trong dư luận.
Do đặc tính mở về công nghệ, mạng Internet toàn cầu cho phép mọi người trên toàn thế giới có thể dễ dàng truy cập mạng Internet để khai thác thông tin và đồng thời cũng có thể cung cấp thông tin lên mạng Internet một cách không hạn chế. Nhờ khả năng dễ dàng khai thác và cung cấp thông tin, mạng Internet đã trở thành môi trường lưu giữ thông tin khổng lồ, tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, thúc đẩy xã hội phát triển và đang tiếp tục được cập nhật hàng ngày, hàng giờ, đáp ứng các nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân loại.
Nội dung thông tin trên mạng hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Thứ nhất là từ các cơ quan báo chí chính thống (gồm báo chí in, báo chí điện tử và phát thanh, truyền hình) và thứ 2 là từ truyền thông xã hội (các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, do tổ chức, cá nhân (không phải là cơ quan báo chí cung cấp). Với hai nguồn cung cấp như trên, tác động của từng nguồn đối với xã hội là khác nhau.
Đối với các thông tin được cung cấp từ truyền thông xã hội bao gồm hai loại: Loại thứ nhất là do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Loại thứ 2 là do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam và gần như không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam (như: Facebook, Google, Yahoo, Youtube...).
Phần lớn các trang thông tin điện tử cung cấp nhiều video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy, thiếu văn hóa, thông tin lừa đảo, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo... là các website thuộc loại hình blog, mạng xã hội và thường có máy chủ đặt tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam và gần như không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trong khi trên thực tế việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường Internet về phương diện kỹ thuật là rất khó khăn, đòi hỏi sự phối kết hợp tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan. Đây không chỉ là thách thức đối với Việt Nam mà là thách thức chung cho các nước trên toàn thế giới.
Khi phát hiện được các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin vi phạm pháp luật, thì tuỳ theo mức độ, Bộ TTTT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời như: nhắc nhở, rút kinh nghiệm, xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép (nếu có), thu hồi tên miền, và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố hình sự nếu có dấu hiệu phạm tội.
Đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của nước ngoài không rõ nguồn gốc, do không chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam nên trong nhiều trường hợp việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật là rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan cùng phối hợp giải quyết.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp: Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TTTT đã được điều chỉnh và ban hành trong thời gian vừa qua, hiện nay, Bộ TTTT đang tiếp tục khẩn trương xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định 72/2013/NĐ-CP như: Thông tư hướng dẫn về quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, trong đó sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trong việc bảo đảm nội dung thông tin cung cấp trên mạng viễn thông di động tuân thủ đúng quy định của pháp luật; Thông tư hướng dẫn hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam, theo đó, dự thảo Thông tư sẽ quy định cụ thể về quy trình phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để loại bỏ thông tin sai trái, độc hại vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng cung cấp thông tin phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành gây bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ TTTT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát nội dung thông tin trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm của các đơn vị này. Đối với trang thông tin điện tử: Trong năm 2015, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử của Bộ đã xử lý 14 trường hợp, trong đó xử lý vi phạm hành chính 07 trường hợp, tổng số tiền 125 triệu đồng; 01 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp 01 tháng. Đối với mạng xã hội: Năm 2015, xử phạt hành chính 02 trường hợp, với tổng số tiền là 60 triệu đồng cụ thể: 01 trường hợp do hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên mạng không phép và 01 trường hợp hoạt động sai quy định của giấy phép đã cấp. Ngoài ra, trong năm 2015, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Công an, Sở TTTT thành phố Đà Nẵng để xử lý một số trang thông tin điện tử có dấu hiệu cung cấp thông tin giả mạo, lừa đảo tiền của người sử dụng, gây bức xúc trong xã hội...
Bộ TTTTT cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan tới việc quản lý, cung cấp nội dung thông tin trên mạng. Tăng cường tuyên truyền về tính hai mặt của Internet trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông cơ sở, thông tin tuyên truyền cổ động kết hợp với các hoạt động sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là trong hệ thống nhà trường và tổ chức đoàn thanh niên. Tăng cường việc tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về những mặt tích cực và tiêu cực của Internet.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.
MINH TÚ