Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 454 chợ kể cả khu vực thành thị và nông thôn và theo quy hoạch toàn TP đến năm 2030 có 596 chợ. Theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận, huyện, trong giai đoạn 2017-2020, sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2.490 tỷ đồng. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác PCCC, vệ sinh môi trường, các chương trình quản lý chợ, VSATTP, thu phí chợ theo giám sát của Ban Kinh tế ngân sách - HĐND TP. Trong giai đoạn 2012-2016, đã chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác 161 chợ, DN quản lý 103 chợ… tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo với tổng vốn đầu tư 3.410 tỷ đồng.
Một số hạn chế tồn tại như quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch, công tác chỉ đạo VSATP còn hạn chế, kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp chợ bằng nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác, chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc còn khó khăn. UBND TP quyết tâm hoàn thành công tác rà soát điều chỉnh mạng lưới bán buôn bán lẻ đến năm 2030, trong đó, có mạng lưới chợ. Các chợ sau khi cải tạo phải đảm bảo các tiêu chí đề án ATVSTP, phấn đấu xúc tiến chợ đầu mối nông sản tại các vùng huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, khẩn trương kêu gọi quản lý theo mô hình chợ UBND TP đã phê duyệt.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn chất vấn tại kỳ họp
Thực hiện chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng, hiện nay, việc đầu tư xây dựng chợ chậm so với kế hoạch do 130 doanh nghiệp vào đầu tư nhưng không lãi. Từ lâu, các doanh nghiệp không mặn mà với việc đứng ra đầu tư xây dựng chợ. Chất lượng các chợ không đảm bảo, môi trường trong chợ nhiều vấn đề, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đang rất phức tạp. Đại biểu đề xuất, trong thời gian tới, sẽ thành lập một cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh riêng biệt, nếu cần thiết sẽ phối hợp với các cơ quan khác về vấn đề an toàn thực phẩm.
Đại biểu Nguyễn Thùy Dương cho rằng, hiện nay, cách mua bán qua mạng khiến kinh doanh ở chợ dần kém hiệu quả, nhu cầu ra chợ người dân ngày càng giảm, vậy có tính đến mô hình mới không hay chỗ nào có dân thì phải có chợ? Mô hình đầu tư nước ngoài (các cửa hàng tiện ích Circle K, Vinmart). Sở Công thương có giải pháp gì để chợ truyền thống của ta không bị lãng phí, tụt hậu.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương có câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ? Đại biểu cho rằng việc cho tư nhân tham gia giám sát an toàn thực phẩm là mô hình hiệu quả trên thế giới, đại biểu đề xuất TP cân nhắc vấn đề này. Đại biểu cũng đề xuất có cơ chế để xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp.
Đại biểu Hồ Vân Nga nêu câu hỏi chất vấn
Đại biểu Hồ Vân Nga cho rằng, hiện nay, công tác phân cấp quản lý nhà nước tại các chợ đầu mối và chợ hạng 1 vẫn còn tồn tại, bất cập, tạo nên khoảng trống trong quản lý. Khi cần xử lý một vấn đề nào đó thì cấp sở nhìn cấp huyện, cấp huyện lại chờ cấp sở... Do đó, cần sửa đổi nội dung phân cấp, ủy quyền. Đại biểu cũng nêu câu hỏi về việc quản lý các chợ đầu mối và chợ hạng 1?
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng trả lời chất vấn
Trả lời ý kiến các đại biểu, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết: Việc chuyển đổi mô hình chợ đã được thực hiện từ năm 2011-2012 nhưng hiệu quả còn thấp. Hiện nay, có 20 quận, huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi với 302 chợ xin kế hoạch đầu tư đến năm 2020, đây là việc làm rất cố gắng. Nguyên nhân việc chuyển đổi chậm là do còn 128 chợ tạm. Giám đốc Sở Công thương cho biết Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện xây dựng xong kế hoạch chuyển đổi trong tháng 8/2017, các sở, ngành thẩm định trong tháng 9 và trình Thành phố trong tháng 10 để ra quyết định.
Đối với quản lý nhà nước về chợ đầu mối đã có sự phân cấp rất rõ ràng. Sở Công thương chỉ đảm nhiệm xét duyệt một số vấn đề. Còn trách nhiệm của các quận, huyện là chính. Còn nhiều bất cập trong quản lý chợ đầu mối (bày bán, lấn chiếm, thiết kế ngành hàng không đúng với kế hoạch) cần có chấn chỉnh trong các ngành hàng, xây dựng lại phương án bố trí ngành hàng.
Trong việc giải quyết chợ cóc, chợ tạm, theo thống kê, cuối 2016, trên địa bàn Thành phố còn 52 chợ cóc. Đến khi triển khai xử lý lòng đường, vỉa hè thì thống kê cho thấy 213 chợ cóc, chợ tạm. Hiện nay, đã ra quân, xử lý 112 chợ, còn 111 chợ. Để giải quyết vấn đề này cần nâng cao kỷ cương, trách nhiệm của chính quyền và vấn đề ý thức của người dân. Về phía Sở, đã giao cho các đội Quản lý thị trường, nếu trên địa bàn quản lý có chợ cóc phát sinh mà không báo cáo thì phải chịu trách nhiệm.
Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết, vấn đề phát sinh trong những năm vừa qua là sự bùng nổ của kinh doanh qua mạng. UBND TP đã thành lập ban quản lý chỉ đạo kinh doanh qua mạng để chống các vấn đề tiêu cực, lừa đảo. Mặt khác, tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống để phục vụ nhân dân. Giám đốc Sở Công thương cho rằng, ở các nước phát triển, chợ dân sinh vẫn tồn tại vì vậy, chúng ta không ngại sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại.
Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, Hà Nội đã chủ động trong việc tạo nguồn hàng bằng cách giao cho Sở NN&PTNT xây dựng các chuỗi nguồn hàng an toàn. Bên cạnh đó, Sở công thương phối hợp chỉ đạo các đầu mối thu gom, phân phối đặc biệt cho các chợ đầu mối. Tổ chức nhiều hội nghị giao thương với các tỉnh, thành để tạo nguồn hàng. Trong quá trình tạo nguồn hàng, các mặt hàng cần truy xuất rõ nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu ký cam kết an toàn. Vấn đề thêm nữa là tuyên truyền các hộ kinh doanh học tập về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cho những cơ sở kinh doanh đủ đáp ứng các chỉ tiêu.
Trong phần giải đáp bổ sung các chất vấn về công tác quản lý chợ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, công tác tăng cường quản lý chợ với TP Hà Nội đặc biệt quan trọng. TP đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo cụ thể trong việc phát triển, quản lý chợ. UBND TP ban hành công văn ngày 5/5/2017 giao sở ban ngành 30 đầu việc, được các ngành các cấp tập trung triển khai.
Theo Phó Chủ tịch Thành phố, quy hoạch chợ nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ được thành phố phê duyệt. Sau 5 năm, nếu quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu hoặc cần điều chỉnh thì thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh. Thành phố đã đẩy mạnh công tác rà soát quy hoạch, giao Sở Công Thương tổng hợp và cùng các ngành khác rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định công tác quản lý chợ đã được thành phố rất quan tâm, coi đây là một yêu cầu, mục tiêu quan trọng trong việc phát triển hạ tầng KT-XH Thủ đô, tạo việc làm, môi trường cho các hộ kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Nhu cầu hàng hóa qua các chợ dân sinh chiếm 50-60% nhu cầu thiết yếu của người dân nên phải tăng cường quản lý chợ. Thành phố đã triển khai đồng bộ các quy định của Chính phủ, nhưng một số đầu việc triển khai còn chậm. Vì vậy, các ngành, các cấp vẫn cần phải có thêm thông tin và định hướng để triển khai công việc hiệu quả hơn. Về việc chuyển đổi chợ, thời gian tới, TP phê duyệt thời gian để các quận huyện chuyển đổi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đề nghị quận, huyện rà soát lại cho hiệu quả hơn. Về 6 trung tâm thương mại chậm tiến độ, Phó Chủ tịch cho biết, UBND TP giao Sở Công thương, Sở KHĐT nghe các chủ đầu tư giải trình từ đó có giải pháp để thúc đẩy nhanh dự án.
Phát biểu kết luận tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: HĐND TP đã tập trung chất vấn UBND Thành phố và các sở, ngành chức năng về tình hình hoạt động, quản lý các chợ trên địa bàn Thành phố. Theo đánh giá, công tác này đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, UBND Thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những mặt có kết quả không cao, chậm, còn nhiều hạn chế đặc biệt là việc sắp xếp mô hình chuyển đổi chợ, phân hạng chợ.
Chủ tịch HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố cần rà soát lại việc phân cấp quản lý cho rõ ràng, nếu còn khoảng trống, cần điều chỉnh cho phù hợp; giám sát chặt chẽ, có kế hoạch điều chỉnh mô hình quản lý chợ trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh mạng lưới bán buôn, bán lẻ cho phù hợp với điều kiện hiện nay, khi hình thức bán hàng online ngày càng phổ biến; quyết liệt hơn trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý chợ: phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phải xem xét trách nhiệm đối với những đơn vị không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố.