Chiều 13.4, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Du lịch. Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cùng chủ trì hội nghị.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng: “Việc xây dựng và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) thời điểm này là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng sự chuyển biến quan trọng của ngành Du lịch với nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn”.

Góp ý một số điều, khoản cụ thể, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Điều 21 quy định nội dung quy hoạch về du lịch, phần giao cho Chính phủ quy định chi tiết quy hoạch về du lịch nên bổ sung rõ thêm: “Chính phủ quy định chi tiết quy hoạch du lịch phù hợp với luật quy hoạch, quy hoạch chuyên ngành liên quan và nguồn ngân sách lập quy hoạch”. Đồng thời, công tác quy hoạch đặc biệt quan trọng trong quản lý phát triển du lịch, cần “đi trước một bước”. Tuy nhiên, hàm lượng quy định về Quy hoạch du lịch tại Mục 3 Chương III dự thảo chỉ có 2 điều là không đủ để quy định cho một mảng lớn. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và làm rõ các nội dung: Các loại quy hoạch phát triển du lịch; Thẩm quyền lập, phê duyệt, quyết định quy hoạch du lịch. Bên cạnh đó, trong danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch tại phụ lục I của Luật Quy hoạch có nội dung “Quy hoạch hệ thống các khu du lịch quốc gia”. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của lĩnh vực nên cần làm rõ hơn các nội dung liên quan nhưng vẫn bảo đảm không xung đột với Luật Quy hoạch sau này.

Đề nghị sửa đổi Điều 47 thành: “Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam”, đồng thời bổ sung các quy định về văn phòng đại diện của doanh nghiệp lưu trú nước ngoài hoạt động tại Việt Nam...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, trong Dự thảo, chính sách phát triển du lịch đã được quy định với nội dung khá đầy đủ, nhưng phần ưu tiên kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đưa vào, trong khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật là thiết yếu, nhà nước cần đầu tư.

Hội nghị cũng thu hút các ý kiến của đông đảo doanh nghiệp lưu trú, lữ hành trên địa bàn Thủ đô. Theo đại diện Grand Plaza: Điều 54, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cần chỉnh sửa để đáp ứng sự phát triển của cơ sở lưu trú tại Việt Nam trong tương lai, bởi trên thế giới đã có xếp hạng khách sạn lên tới 6 - 7 sao. Đại diện của Hanoi Red tour cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quyền của doanh nghiệp lữ hành, cụ thể là doanh nghiệp lữ hành có quyền từ chối phục vụ khách trong một số trường hợp như vi phạm bộ quy tắc ứng xử của du khách, vi phạm pháp luật... 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp để sửa đổi Luật Du lịch, góp phần tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc như: quy hoạch du lịch, quỹ xúc tiến du lịch, văn phòng xúc tiến; chính sách ưu đãi trong du lịch; lưu ý tới sự tiến bộ của công nghệ sử dụng trong lĩnh vực du lịch..., từ đó góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.

Ngọc Ánh- Hồ Điệp


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (17/3/1930*17/3/2025)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.182.546
    Online: 84