Đất nước ta có một tiềm năng du lịch rất lớn, có trên 20 di sản thế giới được UNESCO công nhận, có 72 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 3.300 km bờ biển. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn về du lịch để tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ. Do đó công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước ta ngày càng đòi hỏi quyết liệt về đổi mới cơ chế và chính sách cũng như hệ thống pháp luật để thúc đẩy mạnh mẽ việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự giao thoa của các nền văn hóa, sự trao đổi giá trị xã hội là cơ sở hình thành các quan hệ kinh tế, xã hội. Ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW đã xác định rõ “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Nhà nước ta cũng rất chú trọng đến vấn đề hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để phát triển ngành du lịch.
Những đòi hỏi về nguồn lực tăng trưởng và thay đổi cấu trúc kinh tế tại Việt Nam đặt ra nhiệm vụ mới cho ngành du lịch để trở thành kinh tế mũi nhọn, một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Luật Du lịch ban hành năm 2005 là văn bản Luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Sau hơn 10 năm thực hiện đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập. Luật Du lịch năm 2005 có nhiều quy định chung chung, chưa cụ thể, chưa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong thực thi chính sách dẫn đến tình trạng kinh doanh không duy trì sự phát triển ổn định. Một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng vì chưa quy định trong Luật như tàu thủy lưu trú du lịch. Cơ sở lưu trú du lịch đưa vào hoạt động mà không thực hiện thủ tục thẩm định, xếp hạng theo quy định... Điều đó gây ra không ít khó khăn, trở ngại cho hoạt động du lịch. Chính vì vậy việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện luật này là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch trong và ngoài nước.
Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua trong kỳ họp thứ 3 tới, bản dự thảo ngày 4/4/2017 cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp và cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân... quy định tại Hiến pháp năm 2013; đã đồng bộ tương thích với các Bộ luật, Luật mới ban hành và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Quy định về thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trong dự thảo đã tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch. Mục tiêu thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bảo đảm khách du lịch được sử dụng dịch vụ du lịch có chất lượng và đúng giá trị của loại, hạng dịch vụ. Tại các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch phải được thẩm định, xếp hạng đúng với thực trạng của cơ sở vật chất và dịch vụ được bán đúng giá. Điều đó đã tạo nên một hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, trình tự, thủ tục và hồ sơ đơn giản, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh ổn định, bền vững. Đồng thời loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, không bỏ lọt đối tượng không được điều chỉnh (nhà nghỉ) nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch.
8 loại cơ sở lưu trú du lịch
Tại Điều 52 dự thảo Luật đã quy định 8 loại cơ sở lưu trú du lịch gồm: 1.Khách sạn; 2.Biệt thự du lịch; 3.Căn hộ du lịch; 4.Tàu thủy lưu trú du lịch; 5.Bãi cắm trại du lịch; 6.Nhà nghỉ du lịch; 7.Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; 8.Các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Điều 54 của dự thảo Luật quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, theo đó tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao, 5 sao.
Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung vào quy định xếp hạng cơ sở lưu trú
1. Dự thảo Luật quy định đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo nguyên tắc “tự nguyện” là chưa phù hợp, sẽ dễ dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân kinh doanh các cơ sở lưu trú tự mạo nhận xếp hạng và tự quảng cáo sai với thứ hạng so với thực trạng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch, đề nghị bỏ cụm từ này.
2. Dự thảo Luật cũng chưa quy định về chế tài xử lý đối với các trường hợp tự xếp hạng sai, không đúng thực trạng. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng bắt buộc tất cả các cơ sở lưu trú du lịch đều phải được xếp hạng, không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần xác định cụ thể các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, kèm theo các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để xác nhận phân loại từng loại cơ sở lưu trú du lịch để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý và nếu có sai phạm thì cũng có cơ sở pháp lý để xử lý. Quy định như vậy cũng đảm bảo công bằng, tránh gian lận, tránh tiêu cực trong kinh doanh và nhằm góp phần bảo vệ cho quyền lợi của người kinh doanh và khách du lịch. Đặc biệt là khi Luật này bàn hành thì vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được lập lại nề nếp, trật tự.
3. Về hoạt động thanh tra du lịch dự thảo Luật chưa quy định. Đề nghị bổ sung nội dung về hoạt động thanh tra chuyên ngành du lịch và công tác quản lý phải gắn với hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về du lịch.
4. Đề nghị bổ sung hai cơ quan cùng phối hợp với Sở Du lịch (thành phố Hà Nội và Thành phố HCM) hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú đó là: Hiệp hội du lịch và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đối với Hiệp hội du lịch thì các thành viên của Hiệp hội chính là các doanh nghiệp cùng kinh doanh loại hình dịch vụ du lịch nên họ đánh giá sẽ phù hợp, góp phần đánh giá xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch chính xác hơn. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là nơi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà. Do đó cần phải bổ sung hai cơ quan này vào thành phần phối hợp để cùng xem xét thẩm định. Mặt khác việc đánh giá sẽ khó khăn giữa các loại hình du lịch khác nhau như: thiên nhiên, văn hóa, vui chơi, giải trí...; giữa những khu du lịch của cộng đồng và tư nhân; giữa khu du lịch có tính lịch sử và xây dựng mới; giữa khu du lịch có ý nghĩa nhưng không hấp dẫn du khách. Do đó cần có sự hài hòa trong việc đánh giá, xếp loại các khu du lịch, các cơ sở du lịch...
5. Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật thời gian thẩm định cơ sở lưu trú là 3 năm phải xem xét lại một lần để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
NGỌC ÁNH – Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội