Chiều ngày 23/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh  nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều. Theo dự thảo, các Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường mà các doanh nghiệp phải nộp.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội đã phát biểu tại hội trường một số ý kiến như sau:

1. Về tính hợp lý của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trước hết, về chủ trương, chính sách, không phủ nhận sự cần thiết, tính đúng đắn của việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng, việc tổ chức thực hiện, lộ trình, thời hạn thực hiện và kiểm soát hiệu quả, tránh lợi dụng chính sách là điều cần chú trọng.

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận định một thực trạng đang lo ngại: “Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (chiếm 95-96%), quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột, hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao”.

Với những thông tin như trên cho thấy, quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam là hết sức hạn chế, năng lực sản xuất, kinh doanh rất mức độ, đông về số lượng nhưng kém về chất lượng. Vì vậy, với mong muốn và đề nghị, việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp lần này phải tạo động lực để nâng cao sức cạnh tranh, phải thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vươn lên trở thành những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tránh tình trạng tiềm ẩn, tạo tiền đề để hình thành hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (95-96%) và không bao giờ muốn lớn (tất nhiên có rất nhiều người thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi năng lực của họ chỉ  có vậy, song cũng ko loại trừ việc chỉ thành lập DN quy mô nhỏ để hưởng ưu đãi cho dù một số ưu đãi là có thời hạn).

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ là chính sách đặc thù để áp dụng cho các đối tượng đặc thù. Hiện tại, khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh nghiệp thì cần thiết phải có những tiêu chí chặt chẽ, sự lựa chọn thích hợp. Việc áp dụng ưu đãi mang tính đại trà cho nhiều đối tượng với phạm vi quá rộng sẽ làm mất đi ý nghĩa, hiệu quả của chính sách ưu đãi.

2. Về tính hợp lý và tính khả thi của một số quy định

(1) Về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý

Khoản 3 Điều 14 quy định:

“3. Bộ tư pháp, Sở tư pháp, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các tổ chức tư vấn pháp luật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Để đảm bảo tính chặt chẽ, đề nghị xác định rõ: Chỉ áp dụng quy định trên đối với các cơ quan tư pháp thuộc bộ máy nhà nước, có thể thêm các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, không nên áp dụng đối với các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân hành nghề tư vấn pháp luật độc lập.

(2) Về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 16 của Dự thảo luật quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Về mặt tài chính, có thể hỗ trợ miễn phí đăng ký doanh nghiệp, miễn phí thẩm định... Tuy nhiên, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động thì cần cân nhắc tính hợp lý. Hiện nay, các hộ kinh doanh chủ yếu thực hiện khoán thuế, nay chuyển thành doanh nghiệp thì việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là chuyện bình thường; trong một số trường hợp, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp có thể còn thấp hơn cả thuế khoán. Nếu miễn thuế có thời hạn cho đối tượng này có thể sẽ dẫn đến không bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

 Ngoài ra, hiện nay số lượng các hộ kinh doanh là không nhỏ, nếu tỷ lệ lượng hộ kinh doanh chuyển đổi lớn có thể phần nào ảnh hưởng đến số thu thuế hiện tại.

 Bên cạnh đó cũng cần tính đến trường hợp, có những hộ chuyển đổi để được miễn thuế, sau thời hạn được miễn thuế sẽ trở lại hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh.

(3) Về miễn lệ phí môn bài

Khoản 2 Điều 16 quy định miễn lệ phí môn bài cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong thời hạn 3 năm.

 Trên thực tế, Luật này chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, đó là  miễn lệ phí môn bài, còn việc miễn trong thời hạn bao lâu thì thuộc phạm vi quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Hiện nay, Luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật quy định về đối tượng được miễn, giảm, thời hạn miễn giảm. Vì vậy, để bảo đảm tính hệ thống của pháp luật, Dự thảo luật không nên quy định cụ thể thời hạn miễn lệ phí.

3. Về trách nhiệm của doanh nghiệp

Khoản 4 Điều 28 quy định doanh nghiệp phải bố trí nguồn lực đối ứng (được hiểu là vốn đối ứng) để tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ.

Trên thực tế, không phải mọi trường hợp khi tiếp nhận nguồn lực phải có vốn đối ứng. Do vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ, cần quy định rõ là chỉ áp dụng đối với trường hợp bên hỗ trợ yêu cầu phải có vốn đối ứng 

4. Về việc quy định trong Dự thảo luật nội dung sửa đổi Luật đầu tư

Điều 34 của Dự thảo Luật đã sửa đổi nội dung Luật đầu tư.

Tôi cho rằng, việc lồng ghép như vậy có thể tiết kiệm được thời gian, rút ngắn quy trình và không trái quy định, song chưa thực sự bảo đảm tính hợp lý. Nếu có thể được thì không nên áp dụng tiền lệ này nhiều lần.

5. Về hiệu lực thi hành

Theo quy định của Dự thảo thì Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng luật từ nay đến năm 2018 chưa đề cập đến sửa các luật về thuế liên quan. Điều đó đồng nghĩa với việc các chính sách miễn, giảm thuế chưa thể áp dụng từ ngày 01/01/2018. Vì vậy, đề nghị trong quá trình thể chế hóa chính sách bằng pháp luật cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, giữa các lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu

Ngoài ra một số đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý vào dự thảo Luật này như:

Đại biểu Cao Thị Giang đã đưa ra những góp ý như không nên đưa ra tiêu chí nguồn vốn, chưa đề cập trách nhiệm UBND cấp tỉnh, 4 hội, hiệp hội đều có thể quản lý doanh nghiệp gây nhiều đầu mối gây khó khăn cho UBND tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chỉ cần 1 tổ chức...

Đai biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại điều 9 không có gì ưu đãi hơn quy định hiện hành và đề xuất nên xem xét bỏ bớt điều kiện như tài sản đảm bảo.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) chỉ rõ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động cầm chừng do phải có tài sản bảo đảm nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được.Hơn nữa, thủ tục hành chính khó khăn, phức tạp, rườm rà.

Một số ý kiến khác cho rằng, quy định hỗ trợ về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự thảo còn mang tính hình thức, chưa dẫn chiếu đến các quy định liên quan nên thiếu khả thi trong thực tế, dự thảo quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn từ tư vấn viên trong lĩnh vực sản xuất chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác sẽ không nhận được hỗ trợ. Có đại biểu còn cho rằng, cần bổ sung thêm hành vi lợi dụng việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trục lợi. Thậm chí có đại biểu còn thẳng thắn, hiện vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, doanh nghiệp phải mất chi phí “bôi trơn” để được hưởng các chính sách hỗ trợ...

Giải trình các ý kiến thảo luận của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉnh sửa, bổ sung các quy định cần thiết, đồng thời khẳng định, chúng ta sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí theo quy định và có khả năng phát triển tốt. Chúng tôi xác định đây là văn bản pháp lý quan trọng, đặc biệt sau khi Nghị quyết Trung ương 5 xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực trong nền kinh tế.

Ngọc Ánh - Ngô Thanh Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.168.190
    Online: 300