Sáng 09/5, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với huyện Thường Tín về thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố chủ trì buổi làm việc.

Đ/c Nguyễn Hoài Nam - Ủy viên thường trực, Trưởng Ban Pháp chế phát biểu tại buổi làm việc với huyện Thường Tín
Theo lãnh đạo huyện Thường Tín, trong giai đoạn 2011 - 2015, chất lượng giáo dục và công tác quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn huyện đã có bước phát triển. Với hệ thống trường, đến nay huyện có 29 trường Mầm non, 29 trường Tiểu học, 30 trường THCS, 5 trường THPT. Tính đến 31/12/2016, các cơ sở giáo dục trực thuộc huyện có tổng số 1.424 nhóm lớp, với 50.768 học sinh. Trong đó, Mầm non: 502 lớp với 16.037 trẻ; Tiểu học: 553 lớp với 20.752 học sinh; THCS: 366 lớp với 13.979 học sinh. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường học, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị luôn được đầu tư, quan tâm sát sao. Huyện tập trung đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc huyện với tổng số tiền gần 439 tỷ đồng cho 212 dự án trường học. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia toàn huyện hiện có 50/88 trường đạt chuẩn đạt tỷ lệ 56,8%. Cụ thể, trường Mầm non có 12/29 trường đạt chuẩn chiếm 41,4%; Tiểu học có 18/29 trường đạt chuẩn chiếm 62,1%; THCS có 20/30 trường đạt chuẩn chiếm 66,7%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thường Tín sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng trường lớp đảm bảo đủ diện tích theo quy định trường chuẩn quốc gia. Cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất 50 lượt trường học trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư công: cấp Mầm non là 21 trường, Tiểu học 16 trường và THCS 13 trường. Xây dựng thêm 21 trường chuẩn quốc gia: 8 trường Mầm non, 5 trường Tiểu học, 8 trường THCS; nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 80,7%. Đặc biệt, huyện phấn đấu triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm lẻ đối với các trường Mầm non để không còn trường nào vượt quá 3 điểm trường.
Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh nên diện tích đất nhiều trường không đảm bảo. Công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay. Đối với bậc học mầm non do mới được chuyển từ mô hình bán công sang công lập nên nhu cầu đầu tư rất lớn cả về địa điểm và kinh phí, trong khi nguồn kinh phí còn có hạn nên còn khó khăn. Nhu cầu đầu tư trang thiết bị các phòng chức năng, phòng bộ môn lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên những trường xây dựng chuẩn quốc gia mới được đầu tư thiết bị ở mức tối thiểu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và mạng lưới trường lớp ra đời đúng thời điểm và khá kịp thời. Có thể thấy, Thường Tín cùng chung khó khăn với các huyện ngoại thành khác trên địa bàn, song huyện đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nghiêm túc và đạt được kết quả tích cực ở tất cả các cấp học. Vướng mắc của huyện Thường Tín ngoài về vấn đề kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa thì mạng lưới trường học cũng như diện tích xây dựng trường, lớp vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Thường Tín trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển hệ thống giáo dục. Rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cả về quy mô và chất lượng. Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp đảm bảo cơ cấu hợp lý theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý giáo dục. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa cho giáo dục. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục. Xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học theo cơ cấu và loại hình đào tạo.
Duy Linh