Sau 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tập trung nghe các thành viên Chính phủ trả lời 4 nhóm vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước hết sức quan tâm. Chiều 15/6/2017, Quốc hội dành thời gian một buổi để nghe Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình báo cáo những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ về những vấn đề mà Quốc hội quan tâm chất vấn và sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Tham gia chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có 6 đại biểu Quốc hội: Ngọ Duy Hiểu, Đào Thanh Hải, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Anh Trí, Trần Thị Quốc Khánh, Dương Minh Ánh nêu câu hỏi chất vấn cụ thể.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng hiện nay Đảng, Nhà nước, thanh tra chính quyền các cấp đang rất quan tâm nhưng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người còn có những hạn chế và tình hình đang diễn ra khá gay gắt ở một số nơi, tại một số thời điểm. Vì vậy, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ có những giải pháp đột phá nào để giảm tải, giảm bớt những vụ khiếu kiện đông người cũng như những đơn thư khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước.

Vấn đề thứ hai, về trật tự an toàn giao thông, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để làm giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, trong đó cử tri của Thủ đô Hà Nội rất quan tâm đến một giải pháp đã được nêu nhiều, nhắc nhiều, đó là di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi khu vực nội đô.

Đại biểu Đào Thanh Hải đề nghị cho biết Chính phủ sẽ thực hiện những biện pháp, giải pháp gì trong dự án tới nhằm tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính. Các biện pháp, giải pháp nhằm tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả, đề cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Thứ hai, vụ việc công ty Formosa gây ô nhiễm cho biển khu vực miền trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gây bất ổn an ninh trật tự tại khu vực miền Trung trong thời gian vừa qua. Đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết môi trường biển ở các tỉnh miền trung đã được phục hồi hoàn toàn hay chưa. Nếu như biển miền Trung đã sạch tái tạo, Chính phủ lại khuyến cáo người dân không đánh bắt cá ở tầng đáy. Hiện nay cử tri đang rất quan ngại việc nhà máy Formosa sắp tới đưa vào vận hành, liệu khi nhà máy Formosa vận hành thì có đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường biển miền Trung hay không. Đề nghị đồng chí cho biết Chính phủ có biện pháp, giải pháp cụ thể gì trong việc kiểm soát không để tái diễn sự cố ô nhiễm môi trường như đã xảy ra với nhà máy Formosa.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến đề nghị Chính phủ cho biết có giải pháp nào để Liên đoàn Luật sư Việt Nam sớm thành lập Trường đào tạo luật sư. Cơ chế nào bảo vệ luật sư khỏi bị trả thù của người bị tố cáo, người thân của người bị tố cáo khi luật sư phải đối mặt tố cáo khách hàng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấnPhó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Nợ công tăng nhanh năm 2015 đã chạm mốc 2.608 ngàn tỷ chiếm 62,2% GDP, qua tài liệu Quốc hội được biết, hiện nay tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Bởi vậy có ý kiến cho rằng cần xem lại trần an toàn nợ công ở mức 65%. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp để hạn chế sự phi mã của nợ công.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằngvấn đề đầu tư phát triển công nghệ thông tin ở các bộ, ngành, địa phương rất khó khăn, phần lớn phải tự bỏ tiền ra hoặc lấy từ các nguồn ngân sách của mình nên nó không đồng bộ. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết tại sao chưa thực hiện, cần phải làm như thế nào để thực hiện được Chính phủ điện tử.

Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề tự chủ, đặc biệt đối với các đơn vị lĩnh vực đặc thù như Trường đào tạo nghệ thuật, thể dục, thể thao hay các Đoàn nghệ thuật truyền thống. Vậy sẽ áp dụng chính sách tự chủ cho các đơn vị này thế nào, áp dụng đến đâu, lộ trình ra sao, liệu có ảnh hưởng tới việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thể dục, thể thao và đào tạo tài năng hay không?

Trả lời chất vấn của đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng : Hiện nay có thể nói tình hình khiếu kiện đông người kéo dài trong năm 2016, tình hình có giảm nhưng qua đầu năm 2017 có tăng chút và nguyên nhân tập trung chủ yếu khiếu kiện về đất đai, về quy hoạch treo rồi những vấn đề khác trong số nguyên nhân chính bà con khiếu kiện đông người là giải quyết về đất đai.

Việc khiếu kiện này cũng có một thời gian rất lâu dài, có cái tồn tại hàng 20, 30 năm về trước. Qua thanh tra giải quyết các vụ này thì thấy nổi lên một vấn đề là hài hòa lợi ích trong việc thu hồi đất giữa nhà nước, người dân với nhà đầu tư là chưa hài hòa, luật pháp cũng chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Nếu chính quyền giải quyết một cách hết sức công tâm thì xử lý được, nếu không công tâm thì không giải quyết được và phải qua thanh tra, kiểm tra, làm lên, làm xuống, giải quyết đi, giải quyết lại.

Ngoài ra, chính sách pháp luật, thể chế, phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai và những quy định cụ thể. Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, có chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu không đầy đủ thực hiện Luật Tiếp công dân, rồi giải quyết khiếu nại, tố cáo và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để cho người dân bức xúc kéo dài thì phải xử lý trách nhiệm. Đấy là ý kiến đại biểu hỏi về khiếu nại kéo dài.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn

Còn về ùn tắc giao thông, đối với hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua ùn tắc rất lớn, tình hình tai nạn giao thông trên cả nước giảm 3 tiêu chí rồi nhưng cũng còn những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Còn riêng đối với hai thành phố lớn này thì ùn tắc giao thông rất lớn do quy hoạch phát triển đô thị với hạ tầng phát triển chưa cân đối, do tổ chức giao thông chưa tốt, do tinh thần ý thức trách nhiệm của người dân và điều hành của chính quyền, văn hóa giao thông v.v... và giáo dục ý thức công dân trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, chấp hành luật lệ đi đường, làm sao đưa giáo dục ý thức này vào trong học đường, vào trong lứa tuổi từ mẫu giáo trở lên, hình thành một lớp người mới là có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, đây là một vấn đề rất lớn. Thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, thực hiện môt số các giải pháp quyết liệt và đồng bộ như: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và các Luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cũng như các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. 

Việc di dời các trường học, bệnh viện, công sở từ trung tâm thành phố ra ngoại ô, đây là chủ trương đúng nhưng thực hiện phải có kế hoạch rất chi tiết, rất cẩn thận, rất khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu chính trị, vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế, đáp ứng yêu cầu an ninh trật tự. Sở dĩ tôi nói như thế vì đối với những trụ sở của các cơ quan trung ương thì các nước đều đặt ở trung tâm thủ đô của các thành phố lớn, còn những cơ quan, công sở bệnh viện, trường học di dời thường là đại học hay những bệnh viện đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao... đưa ra ngoại ô. Nhưng những trường trung học, tiểu học hay những bệnh viện ở cấp huyện, các khu vực thì di dời cũng không thể đáp ứng được yêu cầu chữa trị cho người dân hay yêu cầu học tập, đòi hỏi phải có quy hoạch, quy hoạch này phải được tiến hành một cách hết sức khoa học đáp ứng yêu cầu làm việc bình thường, đáp ứng bộ mặt chính trị, đồng thời đáp ứng yêu cầu giảm tải về áp lực về giao thông. Đã nói di dời phải tính đến hiệu quả kinh tế; rồi các trụ sở này để làm gì, phải có kế hoạch sử dụng hoặc bán để thu nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng mà giá bán phải được đấu giá một cách công khai, minh bạch đúng giá trị của nó. Cho nên đấy là một vấn đề ý kiến của đại biểu xin được ghi nhận và Chính phủ sẽ bàn bạc có quy hoạch rất cụ thể về vấn đề này.

Ngoài ra các giải pháp về sửa đổi các quy định của pháp luật xây dựng thể chế, rồi các giải pháp giáo dục tuyên truyền, phổ biến văn hóa giao thông, giáo dục đưa vào học đường... quan trọng là ở đô thị đòi hỏi quy hoạch về hạ tầng và quy hoạch về phát triển đô thị phải đồng bộ các khu nhà cao ốc, các công trình hạ tầng phải hết sức hài hòa với nhau. Chúng ta không thể để tình trạng tiếp tục xây dựng những chung cư, cao ốc lớn, những khu thương mại lớn ở giữa trung tâm thành phố, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng. Cho nên phải cải thiện điều kiện hạ tầng, tức là mở rộng hạ tầng ở trung tâm trong điều kiện có thể. Nhưng vấn đề là phải phát triển vệ tinh đô thị, phát triển các đường vành đai kết nối, phát triển các tuyến đường ngầm, xe bus ngầm, đường trên cao... Đây là một quy hoạch tổng thể rất lớn để đảm bảo chống ùn tắc giao thông và tổ chức giao thông thật tốt, ứng dụng những tiến bộ khoa học, nhất là tiến bộ công nghệ tin học để ứng dụng cho điều hòa giao thông, ứng dụng những cảm biến thông minh để có thể hướng dẫn, điều hòa giao thông, phát hiện, xử lý nhanh ứng phó với những ùn tắc giao thông hay những tai nạn xảy ra... Tất cả những giải pháp này đòi hỏi phải có kế hoạch chi tiết.

Các ý kiến chất vấn còn lại sẽ được trả lời bằng văn bản./.

NGỌC ÁNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.914.582
    Online: 166