Sáng ngày 16/6/2017, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp tại hội trường thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Trong phiên họp thảo luận tại hội trường đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến và còn 9 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa phát biểu. Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có đại biểu Hoàng Văn Cường tham gia phát biểu góp ý vào dự thảo luật.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị thay đổi cơ chế phân công trách nhiệm về quản lý nợ công như sau:
Một là, Bộ Tài chính là đầu mối quản lý nợ công thông qua kế hoạch vay và trả nợ công và dựa trên kế hoạch vay và trả nợ công thì xác định được nhu cầu vay và trả nợ công hàng năm, thời hạn vay, tiến độ vay, cả gốc và lãi.
Hai là, trên cơ sở kế hoạch, nhu cầu vay thì Chính phủ phân chia nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính tiến hành đàm phán, ký kết vay vốn với các cơ quan theo đúng nhiệm vụ, chức năng và các cơ quan đối tác của các đơn vị này.
Ba là, giao nhiệm vụ quản lý vốn vay bao gồm quản lý quá trình cho vay và trách nhiệm trả nợ, Bộ Tài chính chỉ chịu trách nhiệm về quản lý vốn vay về để vay cấp phát và vốn vay lại của chính quyền địa phương. Ngân hàng nhà nước phải chịu trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vốn vay về cho vay lại và vay bảo lãnh. Với cách thay đổi như trên, tôi nghĩ việc gắn trách nhiệm với việc cho vay, trả nợ sẽ rất rõ ràng và khi đấy áp lực về trả nợ vay bằng ngân sách nhà nước sẽ giảm đi.
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII và Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm tài chính quốc gia bền vững, tinh thần đặt ra với yêu cầu quản lý nợ công là hoàn thiện thể chế, đảm bảo vững chắc công cụ quản lý nợ công, đảm bảo đúng quy định pháp luật có liên quan; nghiên cứu phù hợp với thông lệ quốc tế. Về rà soát quy định của pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính đã rà soát 24 luật liên quan và sẽ tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo. Riêng Ngân hàng chính sách, Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu, việc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ và cũng tính vào nợ công.
Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả doanh nghiệp Nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Quản lý theo Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập các khoản Chính phủ vay về cho vay lại tới các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học đã được tính vào nợ của Chính phủ. Theo quy định hiện hành các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định áp dụng đối với doanh nghiệp.
NGỌC ÁNH