Chiều 15/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP, do đồng chí Trưởng ban Trần Thế Cương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND huyện Thường Tín về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo, toàn huyện có 445 công trình tôn giáo, tín ngưỡng và di tích lịch sự, văn hóa với 2 di chỉ khảo cổ, 145 chùa, 125 đình… trong đó, 110 di tích được xếp hạng (59 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp Thành phố). Nhiều di tích có giá trị tiêu biểu như Chùa Đậu, Đền bến Chương Dương, Đền tờ Nguyễn Trãi, đền Bộ Đầu, chùa Pháp Vân…

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương phát biểu tại buổi giám sát

Trong những năm qua, UBND huyện Thường Tín đã chú trọng đến công tác quản lý, sử dụng di tích. Huyện đã phân cấp cụ thể trong công tác quản lý, theo đó, 100% di tích đã xếp hạng đều do UBND huyện quản lý về nhà nước và giao cho UBND các, xã, thị trấn quản lý, sử dụng, đảm bảo các quy định của Luật di sản văn hóa và các quy định hiện hành của pháp luật; đối với các di tích chưa được xếp hạng giao UBND xã, thị trấn quản lý toàn diện.

Thực hiện tu bổ, tôn tạo, phát huy các di tích, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn, làm căn cứ đề xuất Thành phố hỗ trợ kinh phí cho tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn lập dự án trình UBND TP xin chủ trương bảo tồn, tôn tạo và hỗ trợ về kinh phí tu bổ.

Về kinh phí tu bổ, giai đoạn 2010 - 2011, huyện Thường Tín được đầu tư, tu bổ tôn tạo 2 di tích là Tòa Tam bảo, Chùa Đậu với tổng kinh phí 16 tỷ đồng (trong đó, nguồn hỗ trợ của Thành phố là trên 12 tỷ đồng) và Đình Khánh Vân với tổng kinh phí trên 16,570 tỷ đồng (trong đó, nguồn hỗ trợ của Thành phố là trên 15,577 tỷ đồng). Giai đoạn 2013 -2015, một số di tích của huyện được UBND huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp, mỗi di tích từ 100 - 300 triệu đồng; năm 2017 hỗ trợ 02 di tích Chùa Mui và Đình Nghè mỗi di tích 200 triệu đồng.

Triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo hạng mục Gác chuông, nhà tả vu, tường rào di tích Chùa Đậu, tường rào khu Ao Huê, Trại Ổi đền thờ Nguyễn Trãi với số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng.

Công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo cũng được quan tâm. Theo đó, một số di tích được địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo các di tích bằng nguồn xã hội hóa như: Chùa Văn Hội với tổng mức đầu tư là 9 tỷ đồng; Đình Bình Vọng trên 3 tỷ đồng; Đình Thượng Đình trên 4 tỷ đồng (2 tỷ từ nguồn XHH); Đình Yên Phú, chống xuống cấp đột xuất 700 triệu đồng…

Trong công tác thanh, kiểm tra hoạt động tu bổ, tôn tạo, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh cần giải quyết, tháo gỡ. Qua việc kiểm tra, rà soát di tích năm 2016, hiện nay, trên địa bàn huyện có 16 di tích cấp Quốc gia và Thành phố đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần tu bổ cấp thiết như: Chùa Pháp Vân, Đình Đình Tổ, Đình Lam Sơn, Đền Ngũ Xá, Đình Hạ, Đền An Lãng, Đình An Định, Đình An Duyên, Lăng đá Quận Vân, Đình Phúc Trạch…

Trước thực trạng trên, UBND Huyện Thường Tín đề nghị Thành phố tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, quy trình tu bổ, tôn tạo di tích cho cán bộ huyện và cơ sở; điều chỉnh Quy chế quản lý di tích của Thành phố (ban hành ngày 17/11/2016 theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND) theo hướng phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong quản lý di tích và thủ tục hành chính về tu bổ, tôn tạo di tích được xếp hạng và chưa được xếp hạng để làm căn cứ thực hiện. Xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí cấp thiết chống sập giai đoạn 2017 - 2020 cho 5 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia là Chùa Pháp Vân, Đình Đình Tổ, Đình Lam Sơn, Đình Hạ Tự Nhiên, Đình Phú Mỹ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thế Cương, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho rằng, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song đề nghị huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng để nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn; kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý di tích; giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm di tích lịch sử văn hóa dứt điểm, kịp thời; huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý…

Thu Huyền


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.907.352
    Online: 60