Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về một số nội dung trong dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đóng góp ý kiến
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu. Đại biểu Trí bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và tham gia một số nội dung sau:
Một, về phòng thủ quân khu Điều 9, quân khu là tổ chức quân sự theo lãnh thổ. Việt Nam rất thành công trong việc tổ chức này, cụ thể năm 1957 các quân khu đã xây dựng trên cơ sở liên khu. Sau năm 1975 ta tổ chức lại quân khu như hiện nay. Phòng thủ quân khu rất quan trọng không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Lần sửa đổi này bổ sung thêm nội dung phòng thủ quân khu tại Điều 9 nhằm tạo hành lang pháp lý chính thức cho xây dựng và hoạt động phòng thủ quân khu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trên các hướng chiến lược. Điều này rất cần thiết. Do đó đại biểu Trí nhất trí nội dung dự thảo ở khoản 1 Điều 9 phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước.
Khoản 2 đã nêu 9 nhiệm vụ của phòng thủ quân khu là đầy đủ và thiết thực.
Hai, Điều 10, đó là khu vực phòng thủ. Đây là một nội dung luật, thể chế được tinh thần Nghị quyết 28 Trung ương ngày 22 tháng 9 năm 2008; về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Đồng thời cũng đã kế thừa các nội dung hợp lý đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật Quốc phòng hiện hành. Thực chất là làm sâu sắc hơn tinh thần xây dựng một nền quốc phòng toàn dân để giữ nước từ xưa đến nay của Việt Nam chúng ta. Các nhiệm vụ quy định trong dự thảo là hợp lý. Dự thảo cũng khẳng định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước, điều này là rất cần thiết.
Ba, về kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng ở Điều 16. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao những nội dung trong dự thảo. Dự thảo đã thể chế được quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng; làm cụ thể hơn Điều 68 Hiến pháp năm 2013; đảm bảo sự thống nhất về các văn bản pháp luật hiện có như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 92 năm 2006 của Chính phủ.
Sáu nhiệm vụ ở khoản 2 Điều 16 của dự thảo đã thể hiện được tính chất hai chiều giữa quốc phòng và kinh tế xã hội là mang tính nguyên tắc và đã tạo ra được hành lang pháp lý cho các văn bản dưới luật cũng như cách tổ chức thực hiện.
Lần sửa đổi này Ban soạn thảo đã hết sức quan tâm đến các nội dung như: Có sự thống nhất quản lý, điều hành của nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt ở mục e có nêu "dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng". Đây là một phát hiện mới, là một giải pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu cao của quốc phòng và khả năng kinh tế của đất nước, mang lại tính hiệu quả cao trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước. Rất mong tinh thần này cần được thể chế vào trong các bộ luật khác nữa.
Giải trình ý kiến của đại biểu đã phát biểu, đồng chí Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng phòng thủ quân khu tại Điều 9. Trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu Bộ trưởng đã báo cáo rõ thêm về căn cứ quy định của phòng thủ quân khu.
Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới xác định: Khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là bộ phận hợp thành hệ thống phòng thủ chung của quân khu và cả nước. Khi có chiến sự, Đảng ủy Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo và chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ địa phương. Mặt khác, như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp quân khu không phải là cấp hành chính, song có vị trí, vai trò chiến lược trong phòng thủ đất nước để bảo vệ từng vùng, miền, hướng chiến lược, quân khu cũng có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng và chỉ huy tác chiến nếu xảy ra trên từng địa bàn, từng khu vực, từng chiến trường, từng hướng chiến lược; khi có chiến sự, quân khu mới có đủ lực lượng, phương tiện để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng mà cấp tỉnh, huyện không giải quyết được. Thực tế hơn 70 năm qua cho thấy các quân khu đã đóng góp quan trọng vào các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Song địa vị pháp lý của phòng thủ quân khu chưa được luật định, vì vậy cần quy định phòng thủ quân khu tại dự thảo như luật đề cập.
Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng tại Điều 16. Có ý kiến cho rằng quy định tại điểm d khoản 2 là quá rộng, cần quy định những nguyên tắc hoặc quy mô dự án để dễ thực hiện. Dự thảo luật kết hợp kinh tế với quốc phòng; quốc phòng với kinh tế là thể chế Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết 28 ngày 25/10/2013 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể hóa Điều 64, Điều 68 của Hiến pháp năm 2013. Kế thừa Điều 11 Luật Quốc phòng hiện hành. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định, kết hợp chặt chẽ kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh trong các dự án lớn. Quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng.