Sáng ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng. Ông cho rằng nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời đề nghị làm rõ tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; rà soát để bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến không tán thành ban hành Luật và đề nghị sửa đổi Luật An ninh quốc gia, Luật An Toàn thông tin mạng hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này; ý kiến khác đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật An toàn thông tin mạng.
UBTVQH cho rằng, không gian mạng là môi trường đặc thù, có những yêu cầu, nội dung riêng về phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với hoạt động này trên không gian mạng. Còn đối với Luật An toàn thông tin mạng tuy có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, nên việc ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật An toàn thông tin mạng là không khả thi trong tình hình hiện nay.
Trước việc có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật An ninh mạng trùng dẫm với phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng, ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương) khẳng định không trùng dẫm. Lý do được đại biểu đưa ra là phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng chủ yếu là quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về hoạt động an toàn thông tin mạng bao gồm thông tin trên mạng, mật mã dân sự, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng, kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng, quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng mà không có quy định nào về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
Phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng dựa vào các mục tiêu, tiêu chí khác nhau, cách tiếp cận khác nhau và nhằm bảo vệ khách thể khác nhau. Theo đó, Luật An toàn thông tin mạng tập trung vào 3 thuộc tính của thông tin mạng bao gồm: tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng tập trung đảm bảo an ninh, an toàn cho các khách thể hoàn toàn khác với Luật An toàn thông tin mạng, đó là an toàn quốc gia, trật tự an toàn trật tự xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trên không gian mạng…
ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) băn khoăn về sự chồng chéo, mặc dù dự thảo luật đã cố gắng phân định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong luật An Toàn thông tin mạng, nhưng chưa có sự rạch ròi và vẫn còn giao thoa. ĐB Trần Thị Dung cho rằng rất có khả năng sẽ có 2 danh mục thông tin quan trọng đều do Thủ tướng ban hành một cách độc lập; chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật; và do 2 bộ cùng thực hiện quản lý nhà nước. Nếu hệ thống xảy ra sự cố sẽ rất khó xác định trách nhiệm.
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, cần thống nhất quan điểm coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. An ninh mạng phải có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc phòng thì mới có thể giải quyết được các vấn đề liên quan. Bởi lẽ, an ninh quốc có ý nghĩa rất lớn, bao trùm cả vấn đề quốc phòng và sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn, lãnh thổ của Tổ quốc bao gồm cả thực tế, thực địa và trên cả không gian mạng. Do đó, dự thảo luật cần làm nổi bật được ý nghĩa đó thì mới có cơ sở để quy định và thực hiện triển khai trong thực tế.
Góp ý về dự án Luật, ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam. Đại biểu cũng cho rằng, yêu cầu các cơ quan tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng phải đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp thực tiễn, khó khăn cho hoạt động tiếp cận thông tin của người Việt Nam. Đại biểu cũng dẫn cam kết WTO và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU quy định dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không giới hạn, trừ một số trường hợp cụ thể; nhưng các trường hợp loại trừ cũng không có đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại quốc gia sử dụng dịch vụ, nên quy định như dự thảo luật sẽ không đúng với cam kết quốc tế.
Cùng chung băn khoăn, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, quy định về việc đặt văn phòng đại diện, đặt dữ liệu người dùng tại Việt Nam nếu thực hiện được sẽ hữu ích trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. Nhưng sẽ ra sao nếu quy định rồi mà các doanh nghiệp nước ngoài như google, facebook không thực hiện? Liệu có cho ngưng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hay không? Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, cần có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ hiện nay, cũng như cam kết của Việt Nam với nước ngoài.