Chiều 20-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội chủ trì. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự tán thành việc cần thiết sửa đổi một số điều trong hai dự án luật trên nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn...

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội chủ trì góp ý kiến vào dự án Luật

Trong phiên thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song trong Luật Thống kê chỉ đề cập đến một chỉ tiêu duy nhất về di sản văn hóa quốc gia. Thực tế cho thấy, văn hóa có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước, nhưng việc đánh giá các chỉ số phát triển văn hóa lại chưa đề cập trong Luật Thống kê. Vì thế, Đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các chỉ số thống kê về phát triển văn hóa để qua đó có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực quan trọng này.

Nêu thực trạng thời gian qua chưa có sự thống nhất, liên thông giữa các bộ, ngành cũng như các địa phương trong đánh giá tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nên dẫn đến nhiều bất cập, đại biểu Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, cần có bộ tiêu chí đánh giá chung cả nước để tạo sự thống nhất khi thực hiện thống kê các chỉ số.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo cần chú trọng đến nội dung thống kê liên quan đến kinh tế biển và môi trường của Việt Nam. Về vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong đó có các sự cố về môi trường hoặc các tranh chấp liên quan đến môi trường. Vì thế, cần có các chỉ tiêu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội góp ý dự án Luật

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội góp ý về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Trong đó, bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với công an phường, thị trấn, Đồn Công an). Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Theo đại biểu, việc sửa đổi này là cần thiết vì thời gian qua, đội ngũ công an chính quy được điều động về các xã làm nhiệm vụ rất hiệu quả và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

Nhất trí với quan điểm cho rằng cần rà soát lại toàn bộ Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nội hàm khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhằm tránh trình trạng giao quá nhiều việc cho công an xã. Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi thực hiện cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này cần có lộ trình, trách việc sửa đổi lắt nhắt và thiếu tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội góp ý dự án Luật

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội và đại biểu Lê Nhật Thành, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đều cho rằng, việc đưa lực lượng công an chính quy về các xã trên địa bàn Hà Nội đã góp phần ổn định, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn nông thôn. Cùng với đó, Bộ Công an cũng không ngừng chú trọng đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng này để đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. Vì thế, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi trên là cấp thiết để phù hợp với thực tiễn hiện nay./.

Minh Tú - VP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    786 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.775.504
    Online: 94