Sáng 09/02/2022, nhân dịp đầu xuân mới, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã dự lễ khai bút, thăm động viên sản xuất tại làng nghề truyền thống và gắn biển tên đường tại huyện Thường Tín. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành, huyện Thường Tín.
Đại biểu làm lễ dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu đã dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội, xã Văn Bình. Tại đây hiện còn lưu giữ văn bia có ghi chép rõ họ tên của 44 vị tiến sĩ của huyện Thượng Phúc xưa, nay là huyện Thường Tín. Theo thời gian, qua các triều đại phong kiến, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng được ghi danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và sách Đăng khoa lục, là huyện có số nhà khoa bảng nhiều nhất Thành phố Hà Nội. Văn Từ Thượng Phúc được trùng tu và khánh thành năm 2021, là nơi khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học, vùng đất khoa bảng Thường Tín.
Lãnh đạo Thành phố và huyện Thường Tín tiến hành nghi lễ khai bút đầu xuân
Sau lễ dâng hương, nghi lễ khai bút và sản xuất các làng nghề truyền thống đã được lãnh đạo Thành phố và huyện Thường Tín tiến hành trang trọng, thể hiện tinh thần đề cao việc học, coi trọng phát triển các làng nghề truyền thống, thi đua lao động sản xuất để có một năm nhiều thành công, thắng lợi, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24.
Nhân dịp này, huyện Thường Tín đã tặng giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống; phòng chống dịch bệnh Covid-19; khen thưởng nhiều thầy cô giáo và học sinh có thành tích tiêu biểu trong học tập.
Đại biểu tiến hành lễ gắn biển tên đường
Ngay sau lễ khai bút, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo UBND thành phố đã tham gia lễ gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên. Đây là hai nhà khoa bảng tiêu biểu của huyện Thường Tín, có đức, có tài, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Đường Dương Trực Nguyên dài 1.580m, rộng 16,5m từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến cầu Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Đường Lý Tử Tấn dài 1.430m, rộng 7,5m đoạn từ ngã ba giao cắt đường Dương Trực Nguyên tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường liên xã Văn Bình-Hòa Bình, cạnh trạm điện 550Kv.
Lãnh đạo thành phố thăm, động viên sản xuất tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân Lê Thanh Thái
* Tiếp đó, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi thăm, động viên sản xuất nhân dịp đầu xuân mới tại cụm công nghiệp Duyên Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Trực tiếp đến thăm, động viên sản xuất tại cơ sở sản xuất đồ sơn mài của nghệ nhân Lê Thanh Thái, đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao chất lượng sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái nói riêng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín nói chung. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm, chú trọng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường. Trong đó, từng nghệ nhân cần tạo ra những sản phẩm mới có giá trị nghệ thuật cao, đẩy mạnh xuất khẩu, song song với đó là làm tốt công tác truyền nghề, đào tạo nghề để đất trăm nghề danh thơm lưu truyền mãi mãi.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn thăm quan sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái
Huyện Thường Tín hiện có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái là làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố./.