Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10/2022, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành thảo luận

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố điều hành thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai và các vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. 

Thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo kinh tế-xã hội do Chính phủ trình, đồng thời cũng nhận định những khó khăn trong phát triển và đưa ra giải pháp thiết thực.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, trong phát triển kinh tế-xã hội còn những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, cán bộ y tế bỏ nghề nhiều, thiếu thuốc men, sinh phẩm, máy móc thiết bị thiếu hoặc có nhưng không sử dụng được do thiếu vật tư; vướng mắc về bảo hiểm y tế, tự chủ, đấu thầu mua sắm, cấp chứng chỉ,… Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp, từ công tác tổ chức cán bộ, ban hành một loạt quy định để giải toả khó khăn, chính sách động viên cán bộ y tế,… nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Anh trí mong muốn Đảng và Nhà nước tập trung cao độ giải quyết dứt điểm khó khăn trong ngành y tế.


Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi thảo luận

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng có khá nhiều cán bộ, công chức vi phạm quy định bị xử lý kỷ luật, mặc dù được đào tạo cơ bản, bồi dưỡng qua nhiều lớp nâng cao nhận thức, củng cố lập trường,… nhưng vẫn bị kỷ luật, vì vậy đề nghị phải có biện pháp đồng bộ hơn, từ đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện, tu dưỡng, đảm bảo thật tốt điều kiện để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, trong đó cần chú trọng đến lương và thu nhập; vận dụng sáng tạo trong điều động, bổ nhiệm, luân chuyển để ngăn chặn từ sớm việc sai phạm. Đồng thời nhân dân cùng tham gia vào phòng chống tham nhũng, phát hiện sai phạm của cán bộ một cách thực chất hơn nữa. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong thời gian chống dịch vừa qua, Việt Nam hỗ trợ bằng tài khoá như hỗ trợ giãn, hoãn thuế,… do đó hụt giảm thu ngân sách, nhưng chấp nhận để không gây ra hậu quả lạm phát, nhờ đó đã kiểm soát lạm phát tốt, kiểm soát được giá cả, đây là thành công lớn trong điều hành của Chính phủ, cần triển khai tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Với Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong đầu tư công nên đẩy mạnh theo cơ chế đặt hàng các tập đoàn lớn, đây sẽ là bước ngoặt trong phương thức thực hiện đầu tư công, qua đó giải quyết được vấn đề vừa đẩy nhanh đầu tư công, vừa tạo ra nền kinh tế độc lập, tự chủ, vừa tạo ra chỗ đứng cho các ngành công nghiệp lớn trong nước. 


Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận

Nhận định mục tiêu tăng trưởng đặt ra 6,5% trong năm 2023 là phù hợp nhưng cần đẩy mạnh các giải pháp, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cũng nêu một số thách thức trong tăng trưởng kinh tế. Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,73%, tuy nhiên giá tiêu dùng lại tăng cao hơn ở các nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh phát biểu tại buổi thảo luận

Theo đại biểu Lê Quân, hầu hết các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội đều đạt, trong đó các dự án hạ tầng được xây dựng, nhiều chính sách liên quan đến khu vực phi nông nghiệp, an sinh… là những điểm sáng. Đại biểu cho rằng cần lưu ý các thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước như dòng tiền cho tiêu dùng có thể gián đoạn; vấn đề du lịch, dịch vụ thời hậu Covid-19; vấn đề nợ xấu, đặc biệt là dư nợ cho vay bất động sản,...


Đại biểu Lê Quân phát biểu tại buổi thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn Đảng và Nhà nước ta chú trọng hơn nữa trong phát triển nông nghiệp - nông thôn. Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay khi tại các khu vực nông thôn, chỉ còn người già, còn thanh niên thì không mặn mà với lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ cần sớm có các giải pháp căn cơ để tháo gỡ tình trạng này, cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội để xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô.


Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại buổi thảo luận

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, đặc biệt là nội dung về văn hoá, tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện, trong đó cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn về phát triển văn hoá. 

Đồng tình với ý kiến trên, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cũng cho rằng cần chú ý giữ gìn văn hoá trong phát triển, bảo quản giữ gìn di tích, danh lam thắng cảnh, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ bảo quản giữ gìn, quản lý di tích, di sản. 

Nêu thực tế hiện nay vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, một số địa phương đã mua thẻ bảo hiểm y tế 100% cho người cao tuổi, nhưng số còn lại chưa có BHYT khiến họ rất khó khăn, đại biểu Trương Xuân Cừ đề nghị Chính phủ quan tâm bao phủ BHYT tới toàn bộ người cao tuổi trên cả nước. 

Thay mặt chủ toạ điều hành thảo luận tổ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, 11 ý kiến phát biểu thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng, tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc. Trong đó, đại biểu đều thống nhất đánh giá, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, tình hình thế giới có những biến động, Chính phủ đã điều hành đồng bộ, tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, từ đó kết quả đạt được khá toàn diện, dự kiến 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội sẽ hoàn thành. Đại biểu cũng nêu dự báo tình hình trong thời gian tới, những tiềm ẩn rủi ro và hiến kế, trao đổi nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và Thủ đô. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các ý kiến của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tổng hợp, chuyển tải tới Quốc hội. Đồng thời đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những đóng góp, thảo luận trách nhiệm với Quốc hội./.

Nguyễn Hợp - Thu Trang - Ngọc Ánh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    790 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.006.761
    Online: 99