Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 28/10/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận trên hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
![](/portal/Photos/2022-10-30/281020220456-z3836460239645_997f986c5df8327b1a06c5a4dc45da0f_ALdPESMfFEW8Py2l.jpeg)
Toàn cảnh kỳ họp
Thảo luận về nội dung này, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có 3 đại biểu phát biểu trên hội trường. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, năm 2022 bên cạnh những điểm thuận lợi, đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình xung đột Nga - Ukraine và tác động biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, giá cả, lạm phát tăng cao. Nhưng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những chủ trương, quyết sách sáng suốt, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, sự ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân đã ổn định, tiếp tục phát triển khá ấn tượng. Việt Nam được thế giới đánh giá là điển hình về phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu đánh giá cao nhiều kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 với 12 nhóm giải pháp khá toàn diện với tính khả thi cao.
![](/portal/Photos/2022-10-30/281020221047-nguyen-thi-lan---ha-noi_GzPQopOYkOHuXjoH.jpeg)
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại buổi thảo luận
Để khoa học công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cả bên cung và bên cầu cần quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cử tri đã góp ý và được kết luận trong các chuỗi hội nghị, hội thảo, tham vấn vừa qua.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học công nghệ như giao thêm nhiệm vụ, đặt hàng, nghiên cứu, theo dõi kinh phí ít nhất là 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ đổi mới cơ chế tài chính, thanh quyết toán, đấu thầu các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ cho thị trường khoa học công nghệ.
![](/portal/Photos/2022-10-30/281020221031-hoa-thuong-thich-bao-nghiem---ha-noi_l9Zzk3wiPUlPRLNL.jpeg)
Đại biểu Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại buổi thảo luận
Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhận định nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu nhất định; nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri đánh giá kết quả phát triển kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm; tiền lương cán bộ công chức còn thấp.
Đại biểu cho biết thêm, dù có nhiều thách thức, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị, quan hệ ngoại giao tạo được tầm ảnh hưởng rộng lớn. Báo cáo của Chính phủ đã nêu thành quả, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.
![](/portal/Photos/2022-10-30/281020220829-z3835009785092_4a88cf2d405c6558d006834f9429f7ff_37hy8UWRP0G5tC8R.jpeg)
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự kỳ họp
Đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm, đặc biệt là gói hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh Covid và phục hồi, phát triển kinh tế. Đây là chính sách quan trọng, cấp thiết, cần được triển khai kịp thời để đảm bảo hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc của chương trình, nên cần lý giải rõ nguyên nhân để có biện pháp cải thiện phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân tiền lương của người lao động, công chức, viên chức còn ở mức thấp, dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức chuyển việc, nghỉ việc. Tình trạng này là do năng lực cá nhân chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, hay do thiếu chính sách tái tạo, bồi dưỡng, hay do môi trường, văn hóa điều hành. Đại biểu cho rằng cần làm rõ để khắc phục kịp thời tình trạng này trong thời gian tới.
Thống nhất với kế hoạch phát triển kinh tế xã hôị năm 2023 của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng quan. Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Đây là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người dân.
![](/portal/Photos/2022-10-30/281020220827-nguyen-anh-tri---ha-noi-2_uwRZWXrAHEi0wnwT.jpeg)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi thảo luận
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam đã đạt được 3 thành công lớn trong 9 tháng vừa qua. Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong hoàn cảnh khó khăn. Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đường lối ngoại giao Cây tre, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.
Tuy nhiên, đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu cho biết, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
Đại biểu cũng cho biết, gần đây xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.
Về vấn đề còn những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu bày tỏ tin tưởng tinh thần chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, của Nhà nước. Đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức./.