Sáng 03/11/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chủ trì buổi thảo luận có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố.


Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đánh giá dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án hết sức quan trọng, được cử tri và xã hội hết sức quan tâm.

Điều thuận lợi trong lần sửa đổi này là Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) vừa tiến hành tổng kết Nghị quyết về chính sách pháp luật về đất đai và ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Các đại biểu cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong khoảng thời gian tương đối ngắn đã tập trung công sức và nhân lực để gấp rút hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phát biểu thảo luận

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, vấn đề đất đai hiện tại có đến 112 luật, bộ luật có phạm vi liên quan hoặc tác động; trong đó, có đến 88 luật có quy định trực tiếp các vấn đề về quản lý đất đai; 24 luật, bộ luật tuy không có quy định trực tiếp nhưng cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng đến việc quản lý và sử dụng đất đai.

Do đó, đại biểu quan tâm là sửa đổi Luật Đất đai nhưng phải bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật. Đại biểu cho rằng, giải pháp cơ bản để xử lý vấn đề này cần phải gắn với quá trình rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể trong Luật Đất đai và các luật có liên quan để loại bỏ những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chứ không nên giải quyết theo cách là xác định thứ tự ưu tiên đặc biệt của Luật Đất đai so với các luật khác.


Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Luật Đất đai năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi, thực tế trong thời gian có 90% giải quyết khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai, 50% tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, một phần nguyên nhân là do Luật không còn phù hợp từ cơ chế về giá và cơ chế quản lý.

Về cơ chế giá, quy định hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo như: Quy định bồi thường quá thấp không phù hợp với thực tiễn, chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và giá đền bù quá thấp, chênh lệch giá giữa khu vực thành trị và nông thôn cũng khoảng cách xa,… từ đó dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện của người dân kéo dài.

Về cơ chế quản lý, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính việc cấp và thu hồi sổ đỏ còn bất cập. Chẳng hạn có trường hợp đất cạnh nhau nhưng một nhà được cấp sổ đỏ, một nhà không được cấp, hoặc nơi không có đất ở, canh tác nhưng có nơi lại bỏ hoang,… điều này dẫn tới những bức xúc trong người dân. 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguyên tắc về bồi thường đất đai khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo có điều kiện sống bằng hoặc hơn chỗ ở cũ. Tương tự, về lập và thực hiện dự án tái định cư, phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (y tế, trường học). Tuy nhiên, những điều này nếu được quy định trong luật sẽ rất khó thực thi vì quỹ đất có hạn. 


Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận

Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây, khung giá đất được áp đặt hành chính nhưng theo dự thảo Luật mới thì cơ chế giá sẽ phù hợp với giá trị thị trường. Đó là tiến bộ và nếu thực hiện được như trong dự thảo Luật sẽ xóa bỏ được bất cập về giá đất hiện nay.

Băn khoăn về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện có 2 phương thức thu hồi gồm Nhà nước đứng ra quyết định thu hồi và doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận. Tuy nhiên cần tính toán kỹ về phương thức doanh nghiệp, người dân cùng thỏa thuận bởi sẽ phát sinh các tình huống ngoài sự quản lý của nhà nước. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng Luật cần có thêm một điều về thuế, gồm thuế điều tiết giá trị gia tăng, thuế điều tiết đầu cơ, ôm đất và thuế trong điều tiết hành vi như để đất mà không sử dụng,…

Cho rằng đây là Dự án Luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đại biểu Lê Nhật Thành thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai. Đại biểu đề bổ sung quy hoạch, kế hoạch đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề cập đến đất không gian ngầm và khoảng không, đại biểu cho rằng cần thiết phải lập quy hoạch về đất không gian ngầm để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, đồng thời phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị hiện nay. 


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai tổng hợp thảo luận tổ

Tổng hợp thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá 12 ý kiến thảo luận của đại biểu thể hiện sự trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trong góp ý kiến vào dự thảo Luật. Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị đại biểu tiếp tục rà soát, nghiên cứu Dự thảo luật, tiếp tục đóng góp ý kiến để bảo đảm cụ thể hoá tối đa các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo đồng bộ, thống nhất Luật này trong hệ thống pháp luật nói chung./.

Nguyễn Hợp - Ngọc Ánh - Vân Anh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    790 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.004.057
    Online: 93