Sáng 9/12/2022, đại biểu HĐND thành phố đã dành nhiều thời gian chất vấn về công tác xử lý chất thải và thoát nước trên địa bàn thành phố. Nhiều đại biểu nhận định, mặc dù lĩnh vực này đã được thành phố rất quan tâm, song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần có những giải pháp tích cực, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

10 khu đô thị có trạm xử lý nước thải chưa hoạt động

Theo báo cáo bằng hình ảnh của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, thời gian qua, triển khai quy hoạch thoát nước Thủ đô, thành phố đã thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành 6 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất hơn 276.000m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý…Cùng với đó, hạ tầng cụm công nghiệp, trong đó có trạm xử lý nước thải cũng được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng. Thành phố hiện có 71 cụm công nghiệp đã đầu tư hoạt động, trong đó có 40 cụm hoạt động ổn định. Trong số này, có 37 cụm có trạm xử lý nước thải, đạt tỷ lệ 92,5%...

Toàn cảnh kỳ họp

Dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tiễn vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ. Hiện có 8 dự án xử lý nước thải chưa triển khai thực hiện; tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý. Đặc biệt, tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm.

Chất vấn về vấn đề trên, các đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân), Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), Nguyễn Minh Tuân (Tổ Phú Xuyên), Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa), Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) đề nghị lãnh đạo UBND thành phố và các sở chuyên ngành nêu rõ nguyên nhân 10 dự án khu đô thị đã hoàn thành đưa vào sử dụng,vận hành, nhưng các trạm xử lý nước thải có nhưng không hoạt động? Giải pháp đối với các khu đô thị không có quy hoạch trạm xử lý nước thải? Dự án Yên Xá đang thi công 8 gói thầu, nhưng nhiều gói thầu chậm? Xử lý bùn thải có nguồn phát sinh từ các nhà máy xử lý nước thải, còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, giải pháp tháo gỡ thời gian tới?

Liên quan đến 10 khu đô thị trạm xử lý nước thải chưa hoạt động, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, trong năm 2023, Sở sẽ tập trung giám sát đầu tư đối với các dự án, nhất là dự án còn tồn tại, vướng mắc.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên Môi trường Mai Trọng Thái cũng cho biết, đối với 10 khu đô thị trên, Sở sẽ hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc hoàn thành dự án xử lý nước thải tập trung. 

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời nội dung đại biểu chất vấn

Trả lời thêm về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, theo quy định, các khu đô thị phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Vì vậy, Sở sẽ rà soát các dự án xử lý nước thải trên địa bàn. Sớm đưa những dự án đã hoàn thành vào quản lý, vận hành. Đối với những khu vực chưa có nhà đầu tư, Sở đã trình thành phố kế hoạch bổ sung đầu tư các khu xử lý nước thải tập trung. 

Hiện thành phố đang thực hiện quy hoạch chuyên ngành về thoát nước và xử lý nước thải đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; đồng thời thực hiện theo các dự án cụ thể tại khu đô thị, khu nhà ở phải đảm bảo chất lượng xử lý mới được xả ra môi trường.

Cùng trả lời về nội dung này, Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo thành phố để có các giải pháp cụ thể giải quyết tồn tại nêu trên. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng rà soát các nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải của các khu vực phát triển đô thị và khu nhà ở, khu dân cư. Trên cơ sở đó, các khu đô thị nào chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ thì cần phải bổ sung. 

Về Dự án Yên Xá đang thi công 8 gói thầu, nhưng nhiều gói thầu chậm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội Hoàng Trọng Tùng đã nhận trách nhiệm về việc chậm trễ, đồng thời khẳng định sẽ đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy nhanh dự án thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh nêu câu hỏi chất vấn

Tiếp tục chấn vấn về môi trường, các đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai), Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Phúc Thọ), Lâm Thị Quỳnh Giao (Tổ Nam Từ Liêm) chất vấn Giám đốc Sở Công thương về hiện nay còn 28/70 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung? Nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và thời gian thực hiện trong thời gian tới? Thành phố có 5 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tuy nhiên không hoạt động, xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ, vì sao? 

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu

Trả lời về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp của Thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, 28 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung, thì cụm công nghiệp của huyện Đan Phượng giai đoạn 2 đi vào hoạt động có xây dựng thệ thống xử lý nước thải, nên chỉ còn 27 cụm. Việc bố trí các trạm xử lý nước tải cho 27 cụm này gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, rồi việc xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường của các địa phương nên chủ đầu tư còn chây ỳ. Về các giải pháp thời gian tới, Sở Công thương đề xuất đối với các cụm công nghiệp trong quy hoạch mà còn đất mở rộng giai đoạn 2 thì chủ đầu tư phải làm trạm xử lý nước thải và kết nối với giai đoạn 1 để toàn bộ khu đó liên hoàn hệ thống xử lý nước thải. Đối với những cụm không còn diện tích đất thì đề nghị UBND thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các đơn vị liên quan rà soát đánh giá thực trạng và xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo mô hình công ten nơ như ở Yên Nghĩa đang thực hiện, hoặc nếu không còn quỹ đất nữa thì làm theo hệ thống hạ ngầm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt nêu câu hỏi chất vấn

Quan tâm đến vấn đề thoát nước, các đại biểu Phạm Hải Hoa (Tổ huyện Mỹ Đức), Nguyễn Ngọc Việt (Tổ huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi vì sao Trạm bơm Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) chậm triển khai; hiện có nhiều tuyến kênh mương trước đây chỉ phục vụ cho nông nghiệp nhưng quá trình đô thị hóa, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị đã “biến” kênh mương làm nơi thoát nước. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thực trạng và giải pháp tham mưu cho thành phố trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 18/6/2021, UBND thành phố có chủ trương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban quản lý Dự án xây dựng chủ trương xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Đây là một trạm bơm lớn nhất, với công suất dự kiến 170m3/s. Trạm bơm này làm 2 nhiệm vụ lấy nước sông Hồng cấp cho sông Nhuệ và tiêu thoát nước trong đô thị từ  trong nội thành ra sông Hồng. Đây là công trình hết sức phức tạp vì nằm trên tuyến đê sông Hồng qua nội. Ngoài ra, công trình còn liên quan đến hệ thống điện rất lớn, nên cần xin ý kiến của Tổng Công ty Điện lực và Sở Công thương để đấu cấp điện cho trạm bơm.  Các đơn vị đã báo cáo và hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định hoàn thiện hồ sơ. Các quy trình để hoàn tất thủ tục tiếp theo có thể mất một năm rưỡi. Vì vậy nhanh nhất phải đến giữa năm 2024 mới có thể thi công dự án và cuối năm 2025 mới hoàn thành.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cũng cho biết, hiện nay các hệ thống kênh mương ở các huyện ven đô như Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh… hiện không không còn nhiệm vụ tiêu cho sản xuất nông nghiệp nữa, mà chủ yếu tiêu thoát nước cho khu dân cư.  

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn trả lời nội dung chất vấn của đại biểu

Những vấn đề trên được Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, hiện nay, thực trạng thoát nước đảm bảo chỉ nằm trong khu vực 8 quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, đáp ứng cơ bản cho các trận mưa. Thời gian vừa qua, thành phố đã triển khai được 10 trạm bơm. Cũng giống như xử lý nước thải, thành phố vừa tập trung đầu tư công kết hợp với xã hội hóa lĩnh vực thoát nước. Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo nghị quyết của HĐND thành đàn được tập trung ưu tiên cho các chủ đầu tư liên quan đến 8 trạm bơm tiêu thoát, tiêu thoát tự động, nhằm giải quyết cao độ hơn để xử lý chống úng ngập. 

Bên cạnh đó, thời gian, qua UBND thành phố cũng đã ra thông báo giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng sở, ngành khác phải có giải pháp căn cơ lâu dài. Trong đó, giao Công ty Thoát nước Hà Nội nghiên cứu giải pháp thoát nước thông minh, đô thị thông minh trong thoát nước đô thị, xây dựng bản đồ số hóa các điểm ngập lụt, có giải pháp liên thông đề xuất vận hành các hồ điều hòa. Trên cơ sở phối hợp giữa các sở, ngành, thì công tác kiểm tra lại các thiết kế kỹ thuật như kích thước cống, rảnh thoát nước, cao độ cốt nền cần làm ngay, nhằm khắc phục trường hợp sai thiết kế, sai quy hoạch, chưa phù hợp./.

Nguyễn Hợp - Quốc Thịnh - Duy Linh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.995.841
    Online: 29