Sáng 06/01/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự buổi thảo luận của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố cùng các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn.
Các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch đề cập đến không gian biển cho các ngành, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, quy hoạch lại không đề cập đến ngành công nghiệp điện (điện gió, điện nắng) trong khi thực tế ở Việt Nam có rất nhiều đảo có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp này.
Do đó đại biểu cho rằng trong quy hoạch cần chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ra sao, quy hoạch thế nào? Đồng thời, có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ
Đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá cao việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và cho rằng, việc triển khai thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả mới là vấn đề chính mà các đại biểu Quốc hội cũng như người dân quan tâm. Trong đó, quy hoạch cần chú trọng đến phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số”, “nền kinh tế xanh”; định hướng phát triển không gian biển…
Theo đại biểu, Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta ra sao. Vì thế, cần bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét, đây là quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia. Trong đó, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong quy hoạch. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ
Đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch, cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao... để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu quan tâm đến phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó, cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, chú trọng quy hoạch các cảng - hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút, phát triển kinh tế, du lịch./.