Chiều 23/3/2023, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội
Dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai.
Hà Nội có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước. Đến năm 2023, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 64.792 lớp; 2.177.000 học sinh; 122.968 giáo viên; 65.264 phòng học. Trong đó, công lập có 2.255 trường, 48.550 lớp, 1.855.307 học sinh, 89.078 giáo viên, 46.962 phòng học; tư thục có 537 trường, 15.580 lớp, 300.860 học sinh, 32.225 giáo viên, 17.582 phòng học; có 120 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên.
Kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Phương pháp kiểm tra, đánh giá được đổi mới, tổ chức tập huấn đánh giá học sinh các cấp theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học. Thành phố cũng quan tâm, thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục; chú trọng quản lý chất lượng giáo dục, chất lượng đầu ra.
Thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình bảo đảm đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Từ năm 2018 đến năm 2022, thành phố Hà Nội đã bố trí, cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo gần 109 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi dưỡng cho gần 362.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên. Về việc tập huấn thay sách giáo khoa, trong 3 năm (từ 2020 đến 2023), thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về việc sử dụng sách giáo khoa mới cho gần 80.000 cán bộ quản lý, giáo viên.
Thành phố Hà Nội thực hiện công tác hướng dẫn đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thành phố thành lập hoạt động đúng quy định và tham mưu thành phố ban hành các Quyết định phê duyệt danh mục sách. Các nhà trường đều được sử dụng đúng bộ sách đã lựa chọn.
Thành phố đánh giá, về cơ bản giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức thu nhập của người dân. Một số trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các nhà xuất bản phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có chính sách tặng sách giáo khoa cho các em, giúp các em yên tâm học tập.
Về biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, bản thảo tài liệu giáo dục địa phương đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định và đang trong giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện.
UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo; xem xét giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể việc định giá mặt hàng sách giáo khoa.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, việc quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó chưa thực sự hợp lý đối với các cơ sở giáo dục có quy mô lớn, trường có nhiều cấp học, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia; đề nghị Chính phủ xem xét quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho phù hợp.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát và UBND thành phố Hà Nội đã trao đổi, làm rõ thêm 9 vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa; tài liệu giáo dục địa phương; bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận thành phố Hà Nội đã quan tâm triển khai thực hiện tất cả các nội dung để nâng cao chất lượng giáo dục và đạt được nhiều kết quả gồm bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên; đổi mới phương pháp dạy học từ thụ động sang chủ động; trang bị mạng lưới cơ sở vật chất; đầu tư thiết bị dạy học. Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng bày tỏ ấn tượng với thành phố trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và nhấn mạnh, điều này phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, kết quả bước đầu tương đối tốt khi Hà Nội luôn đứng đầu về học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, tăng 7 bậc xếp loại chung về giáo dục đào tạo toàn quốc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, với công tác giáo dục - đào tạo của Thủ đô, thực tế yêu cầu rất cao nhưng khả năng đáp ứng hiện nay còn hạn chế, thể hiện ở việc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, thiếu thiết bị về cả số lượng, chất lượng và cơ cấu. Hà Nội là trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định thành phố bảo đảm về kinh phí đầu tư dành cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển lâu dài của Thủ đô.
Về giải pháp trước mắt và lâu dài của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét ban hành Chỉ thị riêng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho các quận, huyện, thị xã; yêu cầu các dự án xây dựng về nhà ở cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, trường học trước khi cho người dân vào ở.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng thông tin, thành phố đang triển khai xây dựng cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được hạn chế, cũng là điều kiện để thu hút đầu tư của xã hội cho giáo dục. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị cần quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư và tăng cường ứng dụng phương thức dạy học trực tuyến để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc
Thành phố bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt chương trình; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả.
Hà Nội cũng cần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp. Phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội về việc triển khai thực hiện chương trình; sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết.
Tiếp thu đầy đủ ý kiến kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tạo sự đa dạng, sáng tạo, linh hoạt trong chỉnh thể thống nhất, giúp địa phương chủ động hơn về cơ sở vật chất, kinh phí, mô hình./.