Sáng 17-7, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã đến viếng các anh hùng, liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị - vùng đất anh hùng, nơi chứng kiến những bản hùng ca bất diệt về sự hy sinh của những người con thân yêu của Tổ quốc.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố dẫn đầu Đoàn đại biểu thành phố.
Tham gia đoàn có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Trung tướng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Quốc Duyệt, Trung tướng- Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền...
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị.
Khúc tráng ca bên dòng Thạch Hãn
Mở đầu chuyến hành trình thực hiện nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” tiếp tục thắp lên ngọn lửa tri ân đối với các thế hệ đi trước, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị. Đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km và nằm ngay bên bờ sông Thạch Hãn. Di tích Thành cổ Quảng Trị là nơi chứng kiến tinh thần anh dũng bất khuất và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ quân giải phóng và nhân dân Quảng Trị trong cuộc chiến đấu đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành cổ của Mỹ - Nguỵ trong 81 ngày đêm năm 1972 (từ ngày 28-6 đến ngày 16-9-1972).
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.
Thành cổ Quảng Trị cùng với thị xã Quảng Trị đã phải oằn mình hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Nhưng với lòng quả cảm và ý chí kiên cường, bất khuất, các chiến sĩ quân giải phóng vẫn kiên cường bám trụ trận địa; giành giật từng tấc đất, quyết bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị nhằm giành lợi thế trên mặt trận quân sự, tạo đà thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Đất Thành cổ, nước sông Thạch Hãn đã thấm đẫm biết bao máu xương của anh hùng liệt sĩ.
Buổi lễ diễn ra dưới cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của Cơn bão số 1 (bão Talim).
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị.
Thành kính dâng hương, hoa, Bí thư Thảnh ủy Đinh Tiến Dũng và Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người con thân yêu của Tổ quốc. Các đồng chí bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nguyện nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Với tình cảm biết ơn vô hạn, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã thực hiện nghi lễ thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn ở bến sông ngay trước Thành cổ Quảng Trị, nơi chứng kiến khúc ca bi tráng của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ…
Lãnh đạo thành phố Hà Nội mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên sông Thạch Hãn
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thực hiện nghi lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Những bông hoa trôi đi theo dòng nước đã gửi những lời tri ân cùng những lời nguyện cầu cho sự bình an, siêu thoát của những linh hồn chiến sĩ, đồng bào.
Vòng hoa của Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn.
Mãi mãi tự hào
Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đến dâng hoa, dâng hương và viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi an nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ trong cả nước, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, nơi an nghỉ của các liệt sĩ thành phố Hà Nội có 2 khu chính, gồm khu mộ liệt sĩ Hà Nội với 469 ngôi; khu mộ liệt sĩ tỉnh Hà Tây (cũ) với 888 ngôi; các mộ liệt sĩ của huyện Mê Linh đặt tại khu mộ liệt sĩ tỉnh Vĩnh Phúc và mộ liệt sĩ các xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước; khẳng định sự hy sinh to lớn ấy là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, đức hy sinh để cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào và noi theo.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các thành viên của Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thắp hương tại mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và đại diện tỉnh Quảng Trị thỉnh chuông trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, phường 4, thành phố Đông Hà. Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 anh hùng liệt sĩ từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.
Đài tưởng niệm chiến sĩ đồng bào tại Nghĩa trang Đường 9.