Thảo luận tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chiều 25/7/2023, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành đánh giá cao sự phát triển của Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội “về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, không chỉ đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn có tính dài hơi cho Thủ đô phát triển.
Toàn cảnh hội nghị
Gợi ý nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, buổi làm việc lần này diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời là thời điểm nhìn lại giữa nhiệm kỳ và chuẩn bị trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi làm việc, có báo cáo khái quát các nội dung làm việc. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, nhận định khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm và cả nhiệm kỳ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Xem xét các kiến nghị của Thành phố đặt trong bối cảnh thực hiện tổng rà soát hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi bổ sung các luật liên quan.
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ đánh giá cao sự phát triển của Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội “về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, không chỉ đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn có tính dài hơi cho Thủ đô phát triển.
Các ý kiến nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), việc xây dựng Luật không chỉ là trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp mà là trách nhiệm chung của cả nước, trong đó có các Ủy ban của Quốc hội. Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cũng khẳng định, quy định các cơ chế đặc thù, vượt trội cho Hà Nội là rất cần thiết, song phân cấp, ủy quyền mạnh phải gắn với cơ chế tạo điều kiện Hà Nội thực hiện và cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực tương ứng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 23/10/2023, có 3 việc liên quan đến thành phố Hà Nội, trong đó có nhiệm vụ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp thứ bảy.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); trong đó, Ủy ban quan tâm đến công tác luật hóa mô hình chính quyền các cấp của Hà Nội, bao gồm mô hình chính quyền đô thị và tổ chức hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm
Trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, đối với các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Thành phố rất tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội “Thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân”; Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, các cơ chế chính sách của Trung ương giao cho Thành phố luôn được chú trọng triển khai có hiệu quả.
Khẳng định các nghị quyết được triển khai rất hiệu quả, trong điều kiện Hà Nội là trung tâm thì việc tăng đại biểu chuyên trách là rất phù hợp, trong khi đại biểu chuyên trách tăng nhưng vẫn nằm trong số chỉ tiêu biên chế được giao; Bên cạnh đó, cần thiết tăng thẩm quyền của HĐND, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các nội dung này cần mạnh dạn đưa vào Luật Thủ đô, từ đó mới giải quyết được căn cơ, thấu đáo các nhiệm vụ rất quan trọng của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề mà lãnh đạo Quốc hội, các Bộ, Ngành quan tâm
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, với những cơ chế hiện hành và từ trước đến nay, về cơ bản Hà Nội cũng thực hiện giống như các tỉnh, thành phố khác, không có gì vượt trội; nên lợi thế của Thành phố chưa có điều kiện phát huy. Việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong giai đoạn này là thời cơ vàng để Hà Nội phát triển khi thành phố đang Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn làm rõ thêm một số vấn đề về quy hoạch, phát triển đô thị liên quan đến Luật Thủ đô (sửa đổi), nêu một số kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan./.