Chiều 17/10/2023, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự phiên họp giải trình

Dự phiên họp giải trình có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; đại biểu HĐND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. 

Báo cáo tại phiên họp giải trình, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, sau 10 năm thực hiện quy hoạch, đến nay Hà Nội đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp. Đến hết tháng 9-2023, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tại Hà Nội đạt tỷ lệ 72,7%. Trong đó: Mầm non đạt 71,9%; tiểu học 68,3%; trung học cơ sở 80,1%; trung học phổ thông 66,9%.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao nêu câu hỏi 

Bên cạnh kết quả đạt được, Thành phố vẫn còn thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học trong các quận nội đô và một số vùng tập trung đông dân cư (tại các khu đô thị, khu công nghiệp...). Cụ thể, vẫn còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu 43 trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của Quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ...) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều. Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia.

Tại phiên họp giải trình, các đại biểu đã đặt câu hỏi, yêu cầu UBND và các sở, ngành, quận báo cáo, làm rõ khó khăn, vướng mắc vì sao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp; chất lượng giáo viên như thế nào? Đồng thời, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đạt 80-85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt đối với với những quận khó khăn như Hoàng Mai, Đống Đa…

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình nêu câu hỏi

Trả lời các vấn đề trên, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4 nghìn cháu, nên công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong đó có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non. Thời gian tới, quận tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy nhanh các dự án xây dựng trường học và khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập. 

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm tham gia giải trình tại phiên họp

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện nay quận cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định. Thực tế, quận Đống Đa có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp. Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, quận sẽ tập trung đầu tư các dự án mới, đồng thời có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định tham gia giải trình tại phiên họp

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, Hà Nội có 4 quận nội thành cũ dân số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được thành phố và địa phương quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần đề xuất giải pháp, bố trí diện tích đất đáp ứng đảm bảo đủ lớp học cũng như phòng học chuyên đề cho các cháu. Bên cạnh đó, việc thiết kế phải có tính toán tổng mặt bằng công trình giáo dục phù hợp như tầng thấp cho học sinh, khối hiệu bộ thì ở tầng trên. 

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong tham gia giải trình tại phiên họp

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 đến 50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố triển khai xây dựng trường học mới cả công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30 đến 40 trường học mới đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương tham gia giải trình tại phiên họp

Để hoàn thành chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%, đồng chí Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng và giai đoạn 2023-2025, toàn Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu tham gia giải trình tại phiên họp

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, năm học 2023-2024, thành phố vẫn thiếu 10.915 giáo viên và đã có văn bản đề xuất Trung ương giao bổ sung 8.900 chỉ tiêu. Cùng với các giải pháp trên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố phân cấp cho các quận, huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức để ưu tiên cho giáo dục. 

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu tham gia giải trình tại phiên họp

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, ngân sách thành phố Hà Nội dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách thành phố, so với trung ương là ở mức độ rất cao. Việc bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy và học, hàng năm bố trí đầy đủ với cơ sở giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; với cấp quận, huyện bình quân hàng năm cũng dành 1,5 tỷ đồng. Hiện Hà Nội thực hiện đúng lộ trình đến năm 2025 theo Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Đề xuất giải pháp đặc thù cho xây dựng trường học công lập 

Thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu HĐND thành phố và khẳng định, sau phiên giải trình, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội, UBND thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thành ủy và tập trung chỉ đạo thực hiện ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà phát biểu tiếp thu tại phiên họp

Trong đó, sẽ rà soát các quy hoạch hiện có liên quan đến giáo dục, để cập nhật thống nhất, đề xuất điều chỉnh bổ sung những nội dung của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 về Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang triển khai thực hiện.

UBND thành phố cũng sẽ chỉ đạo rà soát, chỉ đạo tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư thực hiện xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia đảm bảo hiệu quả đầu tư. Huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư xây dựng trường học nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công lập, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân trên địa bàn. Theo dõi, giám sát, đôn đốc tình hình tiến độ thực hiện dự án đối với xã hội hóa giáo dục của các chủ đầu tư, xử lý nghiêm đối với các đơn vị chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận phiên giải trình

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thực chất, xây dựng và hiệu quả. Đã có 10 lượt đại biểu đặt câu hỏi, nêu yêu cầu giải trình; 6 đồng chí Giám đốc Sở, 2 đồng chí Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Đống Đa đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã thay mặt UBND thành phố báo cáo, tiếp thu, giải trình về các vấn đề chung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND thành phố.

Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình hôm nay, Thường trực HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình hôm nay. Trong đó cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

Một là, Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn được chỉ ra tại phiên giải trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố đã đề ra, UBND Thành phố tập trung rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện. Hoàn thành kế hoạch trong tháng 11/2023, báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp thứ 14 - đầu tháng 12/2023.

Quang cảnh phiên họp giải trình

Hai là, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Rà soát, thu hồi quyết định và bằng công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường không giữ được các tiêu chuẩn đã công nhận, xác định tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia một cách khách quan, thực chất. Bổ sung chỉ tiêu công nhận lại trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch hàng năm.

Ba là, Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập theo Nghị quyết số 02 của HĐND Thành phố, đặc biệt là các dự án xây mới để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp so với bình quân chung của Thành phố. 
Bốn là, Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập.

Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng các trường học phục vụ nhu cầu học tập của Nhân dân. 

Các vướng mắc, khó khăn UBND TP tập trung chỉ đạo tháo gỡ hiệu quả, lưu ý những việc khó khăn vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất để tháo gỡ có hiệu quả./.

Nguyễn Hợp - Quốc Thịnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    789 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.979.058
    Online: 154