Sáng 29-3, tại kỳ họp thứ mười lăm (kỳ họp chuyên đề), với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết về quy hoạch Thủ đô
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85% vào năm 2050. Dự báo biến động dân số: Dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người. Thành phần dân số khác (dân số quy đổi) đến năm 2030 khoảng 1.450.000 người; đến năm 2045 khoảng 2.100.000 người và đến năm 2050 khoảng 2.500.000 người…
Về nội dung cụ thể, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Cùng với đó, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại kỳ họp.
Trước đó, trình bày tờ trình tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7-3-2022. UBND thành phố đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức triển khai lập Quy hoạch.
UBND thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô. UBND thành phố tổ chức Hội nghị toàn thành phố triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô ngày 21-7-2023; lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì hơn 20 buổi làm việc trực tiếp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về nội dung quy hoạch các ngành, lĩnh vực và nhiều cuộc họp liên ngành về công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã chủ trì và chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch chủ trì hơn 30 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong đó, có nhiều Hội thảo quy mô, có giá trị khoa học lớn như Hội thảo khoa học về phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế; phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô...
Trong quá trình lập Quy hoạch, thành phố nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung...
Ngày 23-2-2024, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực) đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá cao kết quả lập Quy hoạch Thủ đô, đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với kết quả 31/31 phiếu đồng ý thông qua hồ sơ Quy hoạch Thủ đô (đạt 100%).
Hiện nay, cơ quan lập quy hoạch đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 5-3-2024; ngày 11-3-2024, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có Tờ trình số 47-TTR/BCSĐ báo cáo Thường trực Thành ủy. Ngày 13-3-2024, Thường trực Thành ủy đã họp thống nhất thông qua về chủ trương đối với nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô.
Như vậy, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch quyết liệt, khẩn trương tiếp thu, giải trình, bổ sung, hoàn thiện để trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp lần này
Toàn cảnh kỳ họp
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố cũng bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết.
Ban Đô thị cũng nêu một số vấn đề cụ thể cần quan tâm thời gian tới. Đó là rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề: Thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng giao thông đường thủy chậm được cải thiện, chưa phát huy hiệu quả. Hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu. Hạ tầng phát triển dịch vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu; ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường không khí, rác thải, ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng, báo động. Tình trạng ngập úng khi mùa mưa lũ và tình trạng thiếu nước sạch đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức phức tạp; công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chậm đổi mới, chưa tạo chuyển biến về diện mạo Thủ đô văn minh, hiện đại.
Ban Đô thị cũng cho rằng, cần nhấn mạnh hơn nữa quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội dựa trên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa - di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số - đô thị thông minh; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết.
Về không gian, Ban Đô thị HĐND thành phố thống nhất với 5 không gian ưu tiên phát triển. Lưu ý làm rõ thêm phân bố trục không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Ban Đô thị HĐND thành phố nhấn mạnh thêm việc ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch và dịch vụ; xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô; nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới để bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu.
Ban cũng đề nghị cần làm rõ nét hơn phương án phát triển trục sông Hồng để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị: Là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đưa ra phương án nghiên cứu, điều chỉnh hành lang thoát lũ, xây dựng đê kiên cố, vĩnh cửu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu vực hai bên bờ sông Hồng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đối với các khâu đột phá, cần nhấn mạnh hơn về đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kết hợp triển khai có hiệu quả việc di chuyển trụ sở làm việc của bộ, ngành, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường… ra khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Đưa ra giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực cho phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Đại biểu thảo luận về nội dung nghị quyết
Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị... Đặc biệt có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh. Ngoài ra, cần chú ý mục tiêu về vận tải, hệ thống cao tốc cấp quốc gia, đường thành phố, xử lý các điểm đen, chỉ tiêu về an toàn giao thông, nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô.
Trước khi diễn ra kỳ họp, Ban Đô thị HĐND thành phố đã nhận được báo cáo bổ sung của UBND thành phố và đại biểu chuyên trách Ban Đô thị HĐND thành phố nhất trí với phần báo cáo bổ sung này.
Tại kỳ họp, đại biểu các quận Hoàng Mai, Long Biên, Thường Tín cũng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung của bản quy hoạch; các đại biểu đều bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với việc thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.