Tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm là một nét văn hóa đặc trưng cho Thủ đô; là sự quyến rũ đối với người dân và du khách có nhu cầu đi bộ, mua sắm và ngắm nhìn.
Chính vì lẽ đó, sau hơn một tháng hoạt động, không gian này ngày càng thu hút sự quan tâm đồng tình của xã hội.
Niềm mong đợi 20 năm
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến sự đông đúc, phồn hoa; tới những con phố dài, xe cộ chen chúc, tiếng còi inh ỏi. Tại tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, tất cả những bộn bề kia trôi vào dĩ vãng. Ở đó chỉ có một không gian xanh của những hàng cây quanh hồ với sự thoáng đãng khí trời. Đó là một Hà Nội mang nhiều nét hoài niệm và dường như tách bạch với sự ồn ã bên ngoài. Ở đó, từ già trẻ, gái trai đều có thể đắm mình trong những trò chơi dân gian như ô ăn quan, kéo co, lừa xẻ... của tuổi thơ. Một Hà Nội thân quen và dịu dàng, hiện về rất rõ nét.
Người dân tản bộ trong không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm dịp cuối tuần. Ảnh: Công Hùng
Thực tế cũng đã chứng minh phố đi bộ ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Bắt đầu từ Copenhagen (Đan Mạch) và dần lan ra khắp thế giới dưới các hình thức khu đi bộ, phố đi bộ Chủ nhật hay phố đi xe đạp. Những TP sống tốt nhất trong các bảng xếp hạng thường xuất hiện tiêu chí ưu tiên người đi bộ khi tăng không gian công cộng, chất lượng sống.
KTS Ngô Doãn Đức nhớ lại, Hồ Gươm những năm 70 thế kỷ trước có vẻ đẹp trầm mặc bởi lượng xe đi lại quanh hồ chủ yếu là xe đạp. Tàu điện bên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng vắt ra đầu Hàng Ngang cũng chỉ vận hành theo nhịp khoảng 10 phút/chuyến, còn xe máy, ô tô hầu như ít xuất hiện. Nhịp phát triển của xã hội hiện đại phá vỡ sự tĩnh lặng ấy là tất yếu. Tuy nhiên, khi cuộc sống phát triển ổn định, việc tìm cách trả lại cho Hồ Gươm vẻ đẹp vốn có bằng việc hình thành phố đi bộ là việc phải làm tiếp theo. Niềm mong mỏi và ý tưởng về không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được nhen nhóm từ cách đây 20 năm nay đã thành hiện thực.
Theo KTS Nguyễn Phú Đức, việc cải tạo chỉnh trang khu vực Hồ Gươm bao gồm các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kiến trúc mặt đứng công trình, hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, vỉa hè, đường dạo… sẽ tăng độ thụ cảm thẩm mỹ khu vực phố đi bộ. Theo đó, nguyên tắc cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc là nghiên cứu thiết kế chỉnh trang mặt đứng các công trình tại các tuyến phố xung quanh Hồ Gươm và lân cận (Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, một đoạn Hàng Dầu và Lò Sũ bao quanh khu đền Bà Kiệu). Khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc. Đối với bộ phận gắn vào công trình, cần nghiên cứu cụ thể về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, lô gia… đảm bảo hài hòa với nét văn hóa đặc trưng. Quy định cụ thể về vị trí, kích cỡ biển hiệu, biển quảng cáo theo thiết kế phê duyệt. Dỡ bỏ mái che mái vẩy cũ, sai quy định; sắp xếp lại ở các vị trí hợp lý, cố gắng nằm khuất tầm nhìn quan sát từ tuyến phố. Trong trường hợp không thể thay đổi vị trí, sẽ tổ chức các vật liệu che với dạng kiến trúc có ngôn ngữ, kiểu dáng đồng nhất với hình thức ban công, song sắt và được tổ chức dưới các mép cửa sổ… Đối với biển quảng cáo: không vượt quá chiều cao cửa sổ và độ cao cách nền 2m.
Phải trọn vẹn hơn
Về cơ bản, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đô thị đều đồng tình quyết định hình thành phố đi bộ quanh Hồ Gươm là cần thiết. Nhưng nếu vẫn còn những hạn chế về sự lộn xộn giá và khu vực trông giữ xe, dịch vụ đi kèm, môi trường… thì không thể coi là trọn vẹn. Mất nhiều công sức để thực hiện một chủ trương tốt đẹp thì cần phải có những giải pháp khắc phục các nhược điểm này, tránh ảnh hưởng đến ý nghĩa lớn.
Để thiết lập không gian đi bộ an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả trong khu vực, theo KTS Nguyễn Đức Hùng - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, về quy hoạch kiến trúc, TP cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về thiết kế đô thị; tái thiết các công trình kiến trúc có giá trị; tổ chức không gian cây xanh, vườn hoa đặc trưng theo mùa; tạo dựng không gian cảnh quan đóng mở sinh động hấp dẫn du khách và cộng đồng; sử dụng các thiết bị chiếu sáng sinh động, tôn tạo các không gian, công trình điểm nhấn. Hà Nội cần cơ chế quản lý chặt không gian đô thị, hình thái kiến trúc, cảnh quan đúng quy hoạch được duyệt. Một vấn đề nổi cộm là tổ chức giao thông, bãi đỗ xe cần nghiên cứu, tổ chức luồng tuyến giao thông hợp lý, thuận tiện tiếp cận không gian đi bộ, gắn với đó là hệ thống bến bãi đỗ xe hiện đại, giá thành hợp lý. Đồng thời nghiên cứu tổ chức hệ thống giao thông công cộng thuận lợi kết nối với bên ngoài. Tổ chức tuyến xe điện, xe buýt thân thiện với môi trường kết nối với các khu vực đi bộ. Đặc biệt, khu vực quanh Hồ Gươm cần khai thác linh loạt các chức năng dịch vụ, thương mại, văn hóa, vui chơi, giải trí. Tích hợp không gian đi bộ với sân chơi cho học sinh khu phố cổ. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động tạo dựng môi trường, không gian sinh hoạt thương mại, văn hóa, du lịch với phong cách phục vụ văn minh, lịch sự, tạo dựng phong cách hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.
Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết thiếu cụ thể, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, đơn vị tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của người dân và sớm khắc phục những tồn tại. Sắp tới, quận sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội nghiên cứu vận hành liên hoàn cửa hàng, cửa hiệu tại khu vực để tương hỗ cho các hoạt động trong không gian đi bộ. Song, Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt, bởi vậy việc đưa các dịch vụ thương mại vào cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ở góc nhìn khác, KTS Lương Văn Sơn - Chi hội KTS HACID đánh giá, phố đi bộ Hà Nội sẽ tạo sức sống mới cho di sản Thăng Long Kẻ Chợ tại các phố làng nghề, phố nghề truyền thống. Sắp tới, cả khu phố cổ Hà Nội trở thành không gian đi bộ, việc tiếp cận bằng xe cơ giới sẽ bị hạn chế, khi đó 2 vấn đề sẽ ảnh hưởng lẫn nhau: Sản xuất thì phá vỡ đi bộ, đi bộ thì cản trở sản xuất. Điều đó có nghĩa cần có phương án ứng xử phù hợp. Đối với những nhóm nghề có nguy cơ ô nhiễm và chiếm nhiều diện tích như cơ khí, sành sứ… cần mặt bằng rộng và quy hoạch khu vực sản xuất vùng ven như ở Gia Lâm, Thường Tín, Thạch Thất. Các cửa hàng trong phố cổ chỉ có vai trò giao dịch. TP trang bị đường truyền tốt nhất để truyền trực tiếp hình ảnh sản xuất tại xưởng trên các màn hình lớn ở cửa hàng trong phố cổ. Đối với những nhóm nghề gọn nhẹ, sạch sẽ như thêu ren, kim hoàn, ăn uống… cần được ưu tiên thuê thêm vỉa hè để sản xuất. Những nhu cầu thiết thực này nếu không được đáp ứng thì người dân sẽ lấn chiếm. Vì vậy cần giao cho họ sử dụng một cách có tổ chức. Dung hòa mọi thứ để phố đi bộ Hà Nội bước đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn, như nó tiếp tục vươn lên từ nền tảng Thăng Long Kẻ Chợ.
“Cần thấy việc hình thành phố đi bộ quanh Hồ Gươm là cần thiết, có lợi cho xu thế phát triển của xã hội. Tất nhiên, bất cứ sự thay đổi nào dù tiến bộ đến đâu cũng kéo theo chút ít bất lợi cho một bộ phận người nào đó trong cộng đồng. Nhưng vì đây là quyết định tốt nên thay vì trầm trọng hóa vấn đề, hãy cùng nhau tìm giải pháp khắc phục khiếm khuyết” - TS Nguyễn Đình San bình luận.
Khi thực hiện các tuyến phố đi bộ, việc gặp những phản đối là điều hết sức tự nhiên. Người ta thường sợ những sự thay đổi. Nhưng qua thời gian, người dân sẽ yêu thích. Ví dụ như Copenhagen, ban đầu số đông tại đây ít hưởng ứng. Tuy nhiên, khi người dân đã quen, họ từ chối quay lại không gian tấp nập xe cộ như trước. Và Hà Nội đang dần trở nên tuyệt vời hơn nhờ những không gian đi bộ.
Bà Debra Efroymson - Giám đốc vùng HealthBridge khu vực châu Á
|
Theo kinhtedothi