Sáng 1-12, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn ĐBQH TP Hà Nội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn". Cùng dự, về phía trung ương có đồng chí Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế và đại diện các vụ của Bộ Công Thương, Văn phòng Quốc hội.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Bùi Huyền Mai phát biểu mở đầu Hội nghị
Lãnh đạo thành phố có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai mong muốn các đại biểu và cử tri tập trung thảo luận và cung cấp các thông tin cũng như nêu đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng các chương trình, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và theo hướng bền vững, tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm an toàn; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh phí cho phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn; những quy định của pháp luật còn bất cập, ảnh hưởng đến triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Đánh giá về hình hình quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thành phố có tổng diện tích canh tác rau là 12.000 ha với 40 chủng loại rau, sản lượng đạt gần 600.000 tấn/năm. Đến nay, diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt trên 5.000ha, 224 ha rau VietGap và gần 50 ha rau hữu cơ.
Thành phố đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế rau an toàn với công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của HTX và doanh nghiệp, công suất từ 200 -1.000 kg/ngày.
Việc lấy mẫu rau phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua cho thấy tỷ lệ vượt ngưỡng từ 1-2% mẫu phân tích (hàng năm phân tích từ 300 - 1.000 mẫu rau.
Trong chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho biết số trang trại có quy mô lớn còn thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao nên khó quản lý, không giám sát triệt để việc sử dụng kháng sinh, chất cấm.
Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của thành phố hiện là 21.138 ha, đạt sản lượng 100.000 tấn với trên 22.000 cơ sở nuôi trồng. Trong giai đoạn 2011-2016, kết quả phân tích các mẫu thuỷ sản đều không chứa chất cấm. Hàm lượng kháng sinh, hoá chất nằm trong giới hạn cho phép.
Về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP, ông Tường thông tin, từ năm 2011 đến nay đã có 67.579 lượt cơ sở được tranh, kiểm tra, phát hiện trên 8.400 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 12,5%). Tổng số tiền phạt khoảng 11,6 tỷ đồng.
Trên cơ sở chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã nêu một số giải pháp và kiến nghị trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, đào tạo, tập huấn; xây dựng các chương trình, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và theo hướng bền vững; tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Hà Nội cơ bản kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội. Ông Hồng thông tin thêm, kết quả phân tích cho thấy hiện chỉ có từ 1-2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ Thông tư 45 năm 2014 của Bộ NN&PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản đủ điều kiện ATTP, ông Hồng cho rằng Thông tư này đã làm tăng số lần kiểm tra đối với DN; tăng thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Bộ chủ quản cũng cần sửa đổi quy định để tiến tới chứng nhận nông hộ, công bố hợp quy để người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Đồng tình với kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Minh-Giám đốc HTX nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) cũng nêu một số bất cập của Thông tư 45 trong sản xuất. Cụ thể, chứng nhận điều kiện sản xuất RAT theo Thông tư 45 không có tác dụng kiểm soát chất lượng, không có ý nghĩa quảng bá thương hiệu mà còn làm tăng chi phí cho HTX, làm tăng số lần kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, những bất cập hiện nay trong kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tươi sống lưu thông trên thị trường dẫn đến tình trạng rau không an toàn trà trộn, lấn át rau sạch, giá trị không đúng với chất lượng cùng nhiều phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Cũng tại Hội nghị, nhiều cử tri đã có những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch.
Thanh tra sẽ ít "ghé thăm" cơ sở đạt loại A, B
Tiếp thu và giải đáp ý kiến của các cử tri, ông Phùng Hữu Hảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết, Thông tư 45 đưa ra phương thức tiếp cận quản lý VS ATTP theo phương thức quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, thay vì chỉ kiểm tra sản phẩm ở khâu cuối cùng, dễ dẫn đến bị động thì lực lượng chức năng sẽ chủ động kiểm soát, có phân loại cơ sở sản xuất dựa trên nhiều tiêu chí. Kết quả đơn vị nào đáp ứng tốt tất cả các tiêu chí sẽ xếp loại A; chỉ đạt các tiêu chí - loại B và loại C với cơ sở chưa đủ điều kiện. Căn cứ vào đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dành nguồn lực tập trung hỗ trợ các cơ sở xếp lại C vươn lên các hạng trên. Trong khi đó, các cơ sở A, B thì cơ quan nhà nước trong 1-2 năm mới "ghé thăm" kiểm tra một lần.
Tuy nhiên, trước những bất cập trong quá trình thực hiện, ông Hảo cho biết sẽ tiếp thu để kiến nghị có chỉnh sửa phù hợp với thực tiễn.
Để tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn", sản phẩm nông sản trôi nổi ngoài thị trường bị trà trộn với nông sản sạch, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản đề cao giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi. Có như vậy các cơ sở sản xuất và sản phẩm của họ sẽ được gắn logo, mã hiệu nhận diện nhất định, giúp truy xuất được nguồn gốc. Những việc làm này sẽ đẩy chi phí lên cao hơn, song ông tin rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi trả bởi sản phẩm có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi tập quán tiêu dùng của người dân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, sẽ tiếp thu tất cả ý kiến các đại biểu, cử tri về sửa đổi các nghị định, thông tư cũng như cơ chế chính sách trong lĩnh vực này để luôn bám sát vào thực tiễn, tạo hành lang pháp lý góp phần quản lý lĩnh vực này tốt hơn.
Riêng với thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tới đây có các gói tín dụng cho vay nông nghiệp.
"Sản phẩm nông nghiệp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, đặc biệt nhằm thay đổi nhận thức, tập quán của người tiêu dùng" - Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Trước các kiến nghị của cử tri về xây dựng các chợ đầu mối, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu khẳng định sự cần thiết của những mô hình chợ này. Song trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài để sớm có những mô hình chợ đầu mối tại Thủ đô.
Cần rà soát, đánh giá vì sao chính sách chưa đến được với người nông dân
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, qua hàng chục ý kiến phát biểu cũng như nêu các kiến nghị, nguyện vọng cho thấy vấn đề mà Đoàn ĐBQH lựa chọn để tiếp xúc cử tri là rất đúng và cần thiết. Nội dung này HĐND TP đã giám sát qua 4 kỳ liên tục song kết quả từ thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp và gửi đến đúng địa chỉ để có những rà soát, điều chỉnh kịp thời.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.
"Từ năm 2013 đến nay, HĐND đã ra 4 nghị quyết để hỗ trợ 9 lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm sạch, mô hình sản xuất mới. UBND TP cũng ban hành 5 kế hoạch với mong muốn có chính sách hỗ trợ cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh và chế biến để đưa đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm sạch.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, 4 nghị quyết của HĐND cần tiếp tục được điều chỉnh. Sở NN&PTNT cần tham mưu cho UBND TP đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cả những chính sách của trung ương và của Hà Nội để phù hợp với cơ chế đặc thù về nông nghiệp Thủ đô.
"Qua đánh giá để xem cần bổ sung, điều chỉnh những gì để chính sách thật sự đi vào cuộc sống, đến được với người nông dân. HĐND TP cũng sẽ có đánh giá độc lập về những nội dung này để rút ra bài học và đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 tới" - Chủ tịch HĐND TP nêu.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐND TP cũng yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện giải pháp về tăng cường liên kết trong vùng để cung cấp thực phẩm sạch đến người dân; có phương án giám sát để kiểm soát chất lượng sản phẩm.