Thực hiện chương trình công tác năm 2017, từ ngày 07 đến 11/4/2017 Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đã tổ chức giám sát tình hình mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại các bệnh viện đa khoa: huyện Phúc Thọ (bệnh viện hạng 3), Hà Đông và Xanh Pôn (bệnh viện hạng 1). Tham dự cùng đoàn của đại diện tổ đại biểu HĐND Thành phố tại huyện Phúc Thọ, quận Hà Đông, Ba Đình; đại diện các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan báo đài trên địa bàn Thành phố.

Đoàn khảo sát hệ thông máy móc tại Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ
Tại các bệnh viện đa khoa Đoàn khảo sát đến làm việc, các bệnh viện đều chấp hành nghiêm túc các quy trình xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế trong giai đoạn 2011-2016 theo đúng quy định gồm: Đề xuất của khoa, phòng; Lập kế hoạch trình bệnh viện phê duyệt; xây dựng báo cáo kinh tế kĩ thuật; tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị.
Kết quả trong giai đoạn 2011-2016, Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ được đầu tư 43 thiết bị với kính phí trên 25 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Hà Đông được đầu tư 111 thiết bị với kinh phí trên 79 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được đầu tư 162 thiết bị với kinh phí trên 148 tỷ đồng. Theo báo cáo của các bệnh viện, các trang thiết bị y tế được đầu tư dựa trên nhu cầu thiết thực của bệnh viện nên đều phát huy hiệu quả rất tốt, sử dụng đúng mục đích, sau khi bệnh viện tiếp nhận các thiết bị được đưa vào sử dụng phục vụ bệnh nhân, được hướng dẫn sử dụng và bảo quản tốt, không xảy ra tình trạng lãng phí hay sử dụng các thiết bị hết niên hạn không còn đảm bảo chất lượng. Trong quá trình quản lý, sử dụng các thiết bị đều được theo dõi sử dụng đầy đủ như: được bàn giao, nghiệm thu theo đúng hợp đồng và vào sổ tài sản theo quy định; được theo dõi sử dụng và bảo quản qua lý lịch máy, nhật ký máy, quy trình vận hành thiết bị, bảo dưỡng và sữa chữa định kỳ.
Tuy vậy, các bệnh viện cho biết vẫn còn một số hạn chế, khó khăn các bệnh viện đều gặp phải trong giai đoạn vừa qua. Do nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị ngày càng tăng nên nhiều trang thiết bị y tế được sử dụng trong tình trạng quá tải nên bệnh nhân phải chờ đợi lâu hoặc chuyển tuyến. Các viện đều thiếu một số trang thiết bị nên chưa nâng cao được năng lực điều trị của các bệnh viện như mong muốn. Công tác bảo dưỡng đôi khi còn chậm, một số loại máy chỉ có một chiếc khi có sự cố ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh (Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ)…

Đoàn làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn
Đoàn giám sát nhận định, công tác xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị y tế ở các bệnh viện còn chậm (như tại Bệnh viện Xanh Pôn được trên 2 tỷ đồng, Bệnh viện Phúc Thọ chưa thực hiện được), chưa thực sự có sự chủ động liên doanh, gắn kết giữa bệnh viện và doanh nghiệp để tạo ra cơ chế liên kết thật hiệu quả để phục vụ bệnh nhân theo Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ. Việc thanh lý các trang thiết bị y tế cũ tại các bệnh viện còn lúng túng. Việc thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế theo phương thức tập trung tại các bệnh viện diễn ra còn chậm, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải đẩy nhanh tiến độ và quy trình làm việc nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế chính đáng của các bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố.
HOÀNG SƠN