Ngày 09/5/2017, Đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn đã giám sát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND Thành phố về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại UBND huyện Ba Vì và quận Hà Đông.

Đoàn giám sát làm việc tại huyện Ba Vì
Buổi sáng, làm việc tại huyện Ba Vì, báo cáo của UBND huyện cho thấy Ba Vì có 121 trường học, trong đó có 41 trương mầm non, 36 trường tiểu học, 33 trường THCS, 2 trường PTCS, 8 trường THPT và 1 Trung tâm GDNN - GDTX (tăng 6 trường do tách trường và tăng 1 trường THPT thành lập mới so với trước khi có Nghị quyết). Theo đánh giá, Quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của huyện. Về giáo dục mầm non, giai đoạn 2012 - 2016 đã tách 5 trường mầm non, nâng tổng số trường mầm non hiện nay là 41 trường; kế hoạch đến năm 2020 tăng thêm 3 trường công lập, năm 2030 tăng thêm 4 trường do tách trường; quy mô trung bình 15 nhóm lớp/trường, 30 học sinh trên lớp, diện tích đất tối thiểu 12m2/ học sinh, đáp ứng theo các chỉ tiêu Nghị quyết giao. Về giáo dục Tiểu học, toàn huyện có 36 trường công lập/31 xã, thị trấn; kế hoạch đến 2020 tăng thêm 4 trường công lập, đến 2030 tăng thêm 3 trường do tách trường; quy mô trung bình 21 lớp/trường, 32 học sinh/lớp, diện tích đất tối thiểu 12,7m2/học sinh, đáp ứng các chỉ tiêu Nghị quyết. Giáo dục THCS có quy mô ổn định, tổng số 35 trường công lập/31 xã, thị trấn; quy mô trung bình 13 lớp/trường, 34 học sinh/lớp, diện tích đất tối thiểu 13,2m2/học sinh, đáp ứng các chỉ tiêu Nghị quyết.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện Nghị quyết, huyện còn gặp nhiều hạn chế, còn 10/18 chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết của HĐND Thành phố, cụ thể: Chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ cháu mầm non ra lớp so mặt bằng chung Thành phố còn thấp. Chất lượng đại trà về văn hóa giáo dục phổ thông còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày ở các trường Tiểu học, nhất là THCS còn rất thấp so với mặt bằng chung Thành phố. Số phòng học đủ để dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, mầm non còn thiếu, nhiều phòng học xuống cấp chưa được thay thế. Hầu hết các trường mới đủ phòng học thông thường, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn; đồ dùng, thiết bị dạy học trong trường còn thiếu…
Bên cạnh đó, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia thấp, chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết. So với tiêu chí trường chuẩn quốc gia, hiện nay một số trường không đủ diện tích đất. Nhiều trường đã đạt chuẩn giai đoạn trước đến nay không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nên không đạt chuẩn trong giai đoạn mới.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Ba Vì kiến nghị UBND Thành phố quan tâm có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất nhằm: Xóa phòng học cấp 4 xuống cấp; xây dựng mới đủ mỗi lớp 1 phòng (đối với Mầm non và Tiểu học); quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phòng học khu lẻ để đáp ứng nhu cầu ra lớp của con em nhân dân; chỉ đạo triển khai đề án chiếu sáng học đường nhằm đầu tư đạt chuẩn phòng học theo yêu cầu; xây mới công trình vệ sinh thiếu trong các trường học; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đề nghị Thành phố đầu tư kinh phí củng cố tiêu chuẩn cơ sở vật chất cho các trường đã đạt chuẩn quốc gia từ 2008 trở về trước.

Phó Chủ tịch Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận buổi giám sát tại Hà Đông
Buổi chiều cùng ngày, báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo quận Hà Đông cho biết, năm 2011, UBND quận đã có quyết định phê duyệt mạng lưới trường học bậc phổ thông và mầm non trên địa bàn quận đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Sau 5 năm thực hiện, quận đã đầu tư xây mới và mở rộng được 52 trường học công lập trong đó có 30 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 9 trường THCS. Hiện nay, cấp mầm non, mỗi phường đã có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 100% các trường không quá 20 nhóm lớp/trường, số trẻ trung bình toàn quận 37 học sinh/nhóm lớp. Cấp tiểu học, tất cả các phường đều có 1 trường tiểu học công lập trở lên, 19/24 trường không quá 30 lớp/trường, số học sinh trung bình toàn quận 47 học sinh/lớp, diện tích đất trung bình khoảng 5,5m2/học sinh. Cấp THCS, 15/17 phường có 1 trường THCS công lập, tất cả các trường đều không quá 45 lớp/trường, số học sinh trung bình 40,3 học sinh/lớp, diện tích trung bình khoảng 5,7m2/học sinh.
Đến nay, 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn quận đạt chuẩn nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý giáo dục cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học trở lên, 94% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, 81,6% đạt trên chuẩn.
Trong việc phát triển Quy hoạch giáo dục trên địa bàn quận Hà Đông hiện nay còn gặp một số khó khăn như: sự gia tăng dân số cơ học quá nhanh gây ra áp lực lớn về hạ tầng xã hội trong đó có trường học. Trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đồng đều giữa các trường. Một số cán bộ quản lý còn hạn chế trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển giáo dục mang tính lâu dài. Chất lượng học sinh có sự chênh lệch lớn giữa các trường trong quận…
Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đánh giá huyện Ba Vì và quận Hà Đông đã thực hiện nghiêm túc Nghị Quyết của HĐND Thành phố về quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn. Qua đó đã góp phần quan trọng vào phát triển văn hóa - xã hội của địa phương và của Thành phố; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức.
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị hai địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển hệ thống giáo dục; xác định và bố trí quỹ đất dành cho mạng lưới trường học. Bố trí đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn, số cán bộ, nhân viên theo quy định; đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định hiện hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư các phần mềm ứng dụng trong quản lý giáo dục. Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo được sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát huy được các nguồn lực để đóng góp xây dựng nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...
Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn, từ đó có giải pháp và kế hoạch cụ thể để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu HĐND Thành phố giao. Quận Hà Đông cần chú trọng xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS trong các khu đô thị mới và khu công nghiệp có nhà ở của công nhân; quản lý tốt việc hình thành các nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn...
Thu Huyền