Sáng 25/5/2017,Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Theo quan điểm sửa đổi Luật Quản lý nợ công của Chính phủ là đảm bảo tuân thủ Hiến pháp năm 2013, bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý sử dụng nợ công; thống nhất với các luật hiện hành hoặc định hướng sửa đổi, bổ sung các luật đó trong cùng thời kỳ; Kế thừa mặt tích cực của Luật hiện hành; Tăng cường chế tài quy định về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý rủi ro nhằm kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn, bền vững nợ công; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao tính công khai, minh bạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong quản lý nợ công.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Dự thảo luật đã bám sát và thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quản lý, sử dụng nợ công; thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, khắc phục tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, luật hóa nhiều nội dung được quy định tại các văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia thì cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh một số nội dung như:
Về phạm vi sửa đổi:Dự thảo luật tập trung vào việc luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới Luật; sửa đổi, cụ thể hóa các quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan liên quan; bổ sung quy định về chương trình, kế hoạch vay, trả nợ công, giám sát quản lý nợ,... Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tiễn và Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đối với nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn nợ công, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép,... theo đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định; cơ quan giám sát, sử dụng vốn vay, phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ,...
Về tính cụ thể của Dự thảo luật: Hệ thống văn bản dưới luật liên quan đến quản lý nợ công hiện nay được ban hành với số lượng khá lớn để cụ thể hóa các quy định của Luật hiện hành. Đề nghị tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã được kiểm nghiệm, có tính ổn định cao để đưa vào nội dung Luật trong lần sửa đổi này như: các nội dung liên quan đến vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ,...
HOÀI THƯƠNG