Sáng ngày 29/5/2017, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu.
Đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. Tuy nhiên có 3 điều đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu: Điều 11, Điều 31, Điều 44 cụ thể như sau:
1. Về các hành vi bị cấm (Điều 11)
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các hành vi chiếm giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vào khoản 1 Điều 11, theo đó khoản này được diễn đạt lại là: “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công” nếu không chúng ta sẽ bỏ lọt.
Như dự thảo quy định việc xử lý hành vi sử dụng ô tô, tài sản khác do biếu, tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Đề nghị xử lý cả hành vi “nhận quà biếu, tặng”. Nên sử dụng từ “cho tặng” cho phù hợp với quy định của Bộ Luật hình sự, không nên dùng từ “biếu” trong Luật vì từ ngữ này mang ý nghĩa đạo đức ứng xử hơn là pháp lý.
2. Về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước (Điều 31)
Đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong dự thảo luật bởi số kinh phí của Nhà nước phải đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số tài sản công. Mô hình trụ sở phù hợp còn giúp cải cách hành chính mang lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiết kiệm tài sản của Nhà nước góp phần hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước.
Đề xuất Ban soạn thảo nên có cách tiếp cận khác chủ yếu ta chọn mô hình đầu tư khu hành chính tập trung coi đây là xu hướng yêu cầu bắt buộc khi thỏa mãn các điều kiện về quy hoạch diện tích đất và nhu cầu xây dựng, chỉ xây dựng trụ sở làm việc độc lập khi không thể xây dựng được theo mô hình khu hành chính tập trung. (như huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội năm 1994 huyện xây dựng theo gợi ý của Đ/c Phó thủ tướng Phan Văn Khải là xây dựng thí điểm chung 1 trụ sở, năm 1998 hoàn thành đến nay trụ sở còn khá tốt, khang trang, nhiều tiện lợi (tiết kiệm 1 hội trường dùng cho tất cả các cơ quan: bảo vệ, phục vụ, hội họp…) công dân doanh nghiệp không phải đi lại nhiều mất thời gian. Đề nghị dự thảo Luật lần này cần quy định Chính phủ ban hành Nghị định riêng hướng dẫn về vấn đề này.
Về điểm c khoản 3 điều này đề nghị xác định rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành chính tập trung có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn này là không quá 6 tháng kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị này nhận bàn giao trụ sở mới. Thực tế trên địa bàn thủ đô thời gian qua, nhiều cơ quan tổ chức, sau khi có trụ sở mới nhiều năm, song vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ, khiến dư luận, cử tri Thủ đô bức xúc, gây khó khăn cho việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Thành phố.
Đề nghị dự thảo quy định, khi xây dựng trụ sở mới, cơ quan xây dựng trụ sở được phép đề xuất thêm không quá 15% dự phòng so với nhu cầu hiện tại, tránh lạc hậu, bổ sung sau ít năm.
3. Về bán tài sản công tại cơ quan Nhà nước (Điều 44)
Thời gian qua nhiều địa phương đã bán tài sản công là trụ sở các cơ quan, trường học ở những vị trí rất đắc địa, có nơi thậm trí là địa danh, biểu tượng của địa phương không ít cử tri bức xúc về hiện trạng này. Vì vậy khi triển khai thực hiện Luật chúng ta nên quán triệt nguyên tắc không vì nguồn lực đầu tư phát triển trước mắt khó khăn mà ta chấp nhận tất cả. Có những thứ không lấy lại được. Quản lý tài sản công cần tầm nhìn, trách nhiệm, đúng luật, tiết kiệm và hiệu quả.
NGỌC ÁNH - THANH HÀ