Ngày 23-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đã tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng, Đống Đa. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu cử tri
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được của kỳ họp Quốc hội lần này, đặc biệt là khâu chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày cho thấy Quốc hội ngày càng dân chủ hơn, giải đáp được nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Quan trọng hơn, hoạt động này một phần đã biểu thị được các đại biểu Quốc hội kiểm soát cơ quan quyền lực, nhằm hạn chế các thiếu sót, yếu kém, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên cử tri mong muốn, sau chất vấn lời hứa của các tư lệnh ngành phải có sự giám sát của các ĐBQH để lời hứa thành hiện thực.
Cử tri hai quận Hai Bà Trưng, Đống Đa đánh giá, một trong những thay đổi lớn nhất tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc là thời gian làm việc ngắn hơn nhưng chất lượng làm luật cao hơn. Kỳ họp không còn chạy theo số lượng luật mà chú trọng vào chất lượng luật, tất cả những luật, nghị quyết, vấn đề quan trọng của quốc gia đều được bố trí thời gian thỏa đáng để đại biểu bàn bạc kỹ lưỡng.
Cử tri Nguyễn Công Chất (phường Phạm Đình Hổ) phản ánh, dù y tế đã phát triển, nhiều bệnh viện mới đã được xây dựng, cứu chữa được nhiều bệnh rất hiểm nghèo. Nhưng nạn phong bì, phong bao trong bệnh viện chưa được chấm dứt.
Ông cũng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là rau sạch nhưng bán không ai mua, 90% phải bán ở chợ dân sinh. Rồi tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, hết cứu gà, cứu trứng giờ lại cứu lợn. Ngành giáo dục, dù có tiến bộ nhưng mới chăm lo dạy chữ hơn dạy người, nên giáo dục học đường vô cùng bức xúc như các vụ nữ sinh đánh nhau hội đồng...
Theo cử tri, đạo đức văn hóa có nhiều vấn đề nổi cộm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố do mạng xã hội, phim ảnh…
Đặc biệt, cử tri lưu tâm đến vấn đề phòng chống tham nhũng, một số đại án chưa xử được, thậm chí xử rồi còn phải xem kết quả ra sao.
“Dự án trên dưới 10 nghìn tỷ đồng thua lỗ, làm nghèo đất nước. Không phải họ không có năng lực, trình độ mà chính là do thiếu trách nhiệm, có lợi ích nhóm”, cử tri Chất nêu.
Ông Vũ Hoan - cử tri quận Đống Đa cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được Đảng, chính phủ triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đã có kết quả bước đầu tích cực, phần nào lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng nạn lãng phí, lợi ích nhóm chưa được đẩy lùi, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
“Nạn lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vấn đề này đã được quy nạp trong vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống trong nghị quyết trung ương 4 khóa 12. Để phòng chống tận gốc nạn lãng phí, lợi ích nhóm, đề nghị cần thể chế hoá bằng biện pháp cụ thể, công khai, minh bạch”.
Theo cử tri Nguyễn Thị Phương Liên (Đoàn trường Lê Hồng Phong): Việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, cử tri cho rằng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; đề nghị cần có biện pháp cụ thể để thực hiện tốt nghị quyết này.
Trao đổi với cử tri về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng cao độ, bất thường trong 40 năm qua. Trong số các nguyên nhân gây nắng nóng, có nguyên nhân từ việc lấp ao hồ và vấn đề cây xanh như cử tri phản ánh.
Về ao hồ, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch trong 5 năm, từ 2016 đến 2020, Hà Nội xây thêm 25 công viên, đào 25 hồ trong các công viên; đến nay đã thực hiện được 4 hồ. Hiện Hà Nội đã đào thêm hồ Bắc Mai Dịch, hồ công viên Nhân Chính; đang thi công công viên hồ điều hòa Cầu Giấy.
Về cây xanh, đến thời điểm 31-12-2015, tính trung bình một người dân Hà Nội có 6,7 - 6,8 m2 cây xanh. Thành phố đã tiếp tục trồng bổ sung cây ở các công viên xây dựng mới, các trường học, các tuyến phố để đến năm 2020 đạt diện tích cây xanh từ 10 - 11 m2/người. Chủ tịch UBND TP khẳng định, mục tiêu này là khả thi bởi chỉ từ 1-1-2016 đến nay, thành phố đã trồng được 320.000 cây xanh. Theo tính toán của các nhà khoa học, sau trồng 1 năm, diện tích cây xanh đạt 1,5 - 2 m2/người, sau 3 năm đạt 6 - 8 m2/người, sau 5 năm đạt 12 - 15 m2/người, sau 7 năm đạt 18 - 22 m2/người.... Như vậy, trong vòng 5 năm tới, Hà Nội sẽ có thêm 15 - 18 triệu m2 cây xanh và có thể đạt mục tiêu 10 m2 cây xanh/người.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, trong quá trình thành phố phát triển kinh tế, mở rộng cơ sở hạ tầng, không thể tránh khỏi việc đôi khi phải di chuyển hoặc chặt hạ cây xanh đã trồng.
Nếu đánh chuyển một cây, chi phí mất từ 25-40 triệu đồng, trong khi trồng mới cây xanh đường kính 20-25cm thì chỉ tốn 3,2 triệu đồng/cây. So sánh số tiền để di chuyển 1.300 cây xà cừ, có thể trồng 15.000 - 18.000 cây mới, có giá trị cao hơn. Vì vậy, Hà Nội sẽ cố gắng cao nhất đánh chuyển những cây thẳng, còn khả năng phát triển, còn những cây cong, không phát triển sẽ tính đến phương án chặt hạ để bán gỗ, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thành phố sẽ công khai kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây trên các tuyến phố.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các ý kiến của cử tri đều rất sâu sắc, trách nhiệm với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư cũng đồng tình với những nhận xét của cử tri về kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và khẳng định, dù kỳ họp chỉ diễn ra trong hơn 20 ngày nhưng đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt, việc thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự là một thành công lớn. Đây là bộ luật rất quan trọng và nhạy cảm, đã thông qua từ kỳ họp trước nhưng thấy không thực hiện được lại phải dừng, tiếp tục sửa, cho ý kiến rồi mới có thể thông qua...
Điểm đáng chú ý nhất là nếu trước đây tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phần lớn chỉ đại biểu Quốc hội hỏi và “tư lệnh ngành” trả lời, thì nay đã chuyển sang tranh luận, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn có những hạn chế như có những vấn đề chưa đi đến cùng; các đại biểu Quốc hội phải tranh luận thẳng thắn hơn nữa, nhất là chất vấn để làm sao những người có trách nhiệm thấy được trách nhiệm của mình, sửa chữa được thiếu sót, hạn chế, từ đó làm tốt hơn chức trách của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cái quan trọng sắp tới thực hiện thế nào, đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, những điều đã hứa có thực hiện hay không, có kiểm tra giám sát tiếp hay không? Băn khoăn của cử tri cũng là băn khoăn của chúng tôi và chúng tôi nói nhiều về vấn đề này. Nói hay để thuyết phục nhau là cần, nhưng sau đó là phải chuyển biến trong thực tế hành động, đấy mới là cái cần”.
Trao đổi với cử tri về vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho biết, nhờ sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua đã có những kết quả tích cực bước đầu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ đã về hưu vi phạm kỷ luật bị xử lý. Tổng Bí thư nhắc lại đối với một số trường hợp, đó mới chỉ xử lý về mặt Đảng, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Việc kỷ luật đồng đội, đồng chí của mình, thậm trí là rất day dứt, đau xót, nhưng mà phải kỷ luật, vi phạm pháp luật thì phải xử lý.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chính nạn tham ô, tham nhũng và sự hư hỏng của cán bộ đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đề cập đến vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư cho biết đây là vấn đề lớn, phức tạp. Sắp tới Trung ương sẽ thảo luận riêng về vấn đề này./.
HỒ ĐIỆP – MINH TÚ