Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 2/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Dự án Luật được sửa đổi, xây dựng gồm 6 chương với 63 điều, có phạm vi điều chỉnh là: Quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. Dự án Luật nêu rõ, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung lớn của dự án Luật liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; đối tượng, hình thức chuyển giao công nghệ; các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; đăng ký chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ...

Đại biểu Lê Quân phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Về bố cục, đây là Luật chuyển giao công nghệ, do đó chúng ta nên tập trung vào những vấn đề chuyển giao công nghệ. Do vậy, dự thảo luật hiện nay ngay Chương II quy định về thẩm định, công nghệ dự án đầu tư, theo tôi là chưa hợp lý. Tôi đề nghị đổi vị trí Chương II tập trung vào hợp đồng chuyển giao công nghệ và Chương IV thì thẩm định về công nghệ đầu tư. Như vậy, dự thảo luật sẽ nghiêng về vấn đề chuyển giao hơn là vấn đề thẩm định thủ tục.

Thứ hai, luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, tại Điều 14 dự thảo có quy định về thẩm định dự án đầu tư thì tại Mục 3 quy định mọi dự án đều lập tại Mục 3 quy định mọi dự án khi sử dụng công nghệ, trong khi dự án nào cũng sử dụng công nghệ thì phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định, một số báo cáo khác, do đó nên bỏ Khoản 3, Điều 14.

Điều 17 khi quy định về nội dung công nghệ trong dự án đã quy định rõ, trong dự án phải nêu rõ những nội dung gì. Khi trình những dự án phải thẩm định thì họ sẽ trình những nội dung cần thẩm định về mặt công nghệ. Nội dung thẩm định dự án trong Điều 17 và Điều 19, đề nghị nên lược giản hóa.

Tại Khoản 1, Điều 19 quy định rất nhiều tài liệu và những hồ sơ doanh nghiệp phải nộp khi thẩm định. Đối với những dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì chúng ta nên lược bỏ một số các nội dung thuộc nghĩa vụ tự thân của doanh nghiệp phải quan tâm, khi họ đầu tư thì chúng ta không nhất thiết phải báo cáo. Ví dụ, Điểm a khi yêu cầu phải báo là sự phù hợp của phương án công nghệ được lựa chọn với mục tiêu, quy mô công suất của dự án đầu tư. Những vấn đề này về mặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc những vấn đề đó. Thẩm định của chúng ta tập trung chủ yếu những vấn đề chúng ta quan tâm trong mục tiêu phải thẩm định đặt ra.

Ngoài ra, đề nghị bỏ Khoản h, nếu không phải quy định cụ thể vào những khoản khác. Nếu luật quy định nội dung có ý kiến về công nghệ gồm có những vấn đề khác liên quan (nếu có). Như vậy, sau này triển khai sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề cụ thể. Tôi đề nghị để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung tại Điều 18 về trình tự, thủ tục quy định một điều quy định về vấn đề một cửa, một đầu mối và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cục, vụ, sở vì hiện nay thực tế khi doanh nghiệp đi xin giấy phép thì phải qua rất nhiều đầu mối khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp có những dự án chúng tôi tham gia vừa xin ý kiến của Cục trồng trọt, Cục Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua một số khâu để có được ý kiến cuối cùng. Như vậy doanh nghiệp lần theo các mối đó thì rất mất thời gian. Vì vậy, quy định luôn trong trường hợp này dự thảo luật đã tiến bộ là quy định một bộ chủ quản, một ngành liên quan đầu mối. Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn là trong thời hạn bao nhiêu ngày mà các đơn vị, sở, ban, ngành, các bộ, ngành có liên quan cần phải cho ý kiến. Quá thời hạn đó thì cơ quan chủ trì thẩm định có quyền và có nghĩa vụ quyết định trả lời ý kiến cho doanh nghiệp. Trong trường hợp đó tránh trường hợp khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chỗ này, nhưng vì chưa có ý kiến của nơi khác, do đó chưa trả lời được

Về cấu trúc, có rất nhiều điều khoản luật có thể cấu trúc lại cho gọn gàng để luật dễ tham chiếu hơn. Ví dụ, Điều 11 quy định về công nghệ hạn chế chuyển giao. Theo tôi nên quy định luôn trong này những công nghệ ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường thì cũng thuộc danh mục cộng nghệ hạn chế chuyển giao. Như vậy, Khoản 2, Điều 14 gộp lại không cần phải quy định phải thẩm định một là dự án chuyển giao công nghệ mà hạn chế đầu tư, dự án có tác động xấu đến môi trường. Trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao nên quy định luôn những công nghệ có tác động xấu đến môi trường. Như vậy, cũng bỏ Khoản 3, Điều 15 liên quan đến những nội dung liên quan, khi đó ta chỉ nên quy định những dự án đầu tư sử dụng công nghệ trong danh mục hạn chế chuyển giao thì phải thông qua thẩm định, như vậy sẽ gọn được một số điều.

Tại Điều 10 quy định công nghệ khuyến khích chuyển giao, đại biểu Lê Quân đề nghị trong Điều 10 bổ sung khuyến khích chuyển giao công nghệ trong các khu vực nông thôn, nông nghiệp, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chúng ta có thể lược bỏ toàn bộ Mục 4, Chương IV, Điều 52, 53, 54, 55, vì 4 điều này nội hàm về thủ tục, chi tiết cũng không có vấn đề gì mới so với các điều khoản quy định khác của các chương khác. Trong khi đó chúng ta chỉ nhấn về vấn đề chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chúng ta chỉ cần quy định chung là đầu tư chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao rồi, nên có những ưu tiên ưu đãi sau, nếu chúng ta quy định như vậy thì có thể bỏ được mục 4, bởi vì nội hàm của mục 4 cũng không có những nội dung mới.

Cuối cùng để khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, đề nghị bổ sung một điều trong chương 4 về vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ và nhà khoa học. Hiện nay thực tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đang rất khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, và khuyến khích để làm sao hợp tác với trường học, nhà trường đầu tư để chuyển giao, nhưng có một số nội dung vướng mắc. Đề nghị bổ sung để cho phép tổ chức khoa học công nghệ được sử dụng nguồn thu sự nghiệp của mình để góp vốn cùng doanh nghiệp để sản xuất thử nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng như các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ. Sửa đổi luật để giúp việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, thiết thực hơn, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường. Hơn nữa, luật còn vừa hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nước vừa giúp nền sản xuất của chúng ta tiếp thu làm chủ công nghệ tiên tiến từ bên ngoài, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Trong Điều 37 cũng có quy định hoạt động liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ với tổ chức ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đây là một nội dung rất cần thiết và giúp cho phát triển kinh tế địa phương. Đề nghị bổ sung làm rõ chính sách ưu đãi có tính khả thi cao cho doanh nghiệp, cho cơ quan, tổ chức nghiên cứu tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ cho bà con nông dân.

Mục 4, Chương V trong dự thảo luật cũng đã đề cập đến quy định chuyển giao công nghệ ở nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia và tích cực chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các địa bàn khó khăn còn kém phát triển. Tuy nhiên, cần có các quy định đặc thù rõ rệt hơn để tính khả thi của luật được cao hơn.

Nhà nước cần quy hoạch rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ, ươm tạo mạnh thực sự về trình độ đội ngũ, về cơ sở vật chất và môi trường làm việc. Có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các công nghệ mới.

Nhiều cử tri là các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cán bộ quản lý khoa học công nghệ ở địa phương là những người chịu ảnh hưởng của Luật chuyển giao công nghệ. Đề nghị Quốc hội xem xét để Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sớm được thông qua để hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ trong nước, góp phần thúc đẩy chất lượng tăng trưởng bền vững, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

NGỌC ÁNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2024)
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    781 người đã bình chọn
    Thống kê: 5.646.033
    Online: 144