Sáng 7-6, đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TƯ do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn thành phố.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Từ thành phố đến 100% các đơn vị trực thuộc, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, bố trí kinh phí phù hợp đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng khu liên hợp phát triển phụ nữ Hà Nội và thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn, Hội đồng Tư vấn hôn nhân gia đình và các mô hình điểm như Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; CLB Phụ nữ với pháp luật; CLB phụ nữ ngoại tỉnh… Thành phố đã xây dựng và ban hành “Bộ số liệu thống kê bình đẳng giới” với 62 chỉ số tách biệt trong một số lĩnh vực chủ yếu như y tế, giáo dục, lao động việc làm, lãnh đạo quản lý làm cơ sở cho việc đánh giá bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.
Với mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ Thủ đô có sức khỏe, trí thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, toàn thành phố đã thành lập 1.630 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại 100% xã, phường, thị trấn nhằm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hòa giải thành công 4.151/4.733 vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở, hỗ trợ 601 vụ việc bạo lực gia đình… Đáng chú ý, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái luôn được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm, thông qua việc triển khai Dự án “Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố”, qua 3 giai đoạn, đã tư vấn và khám tầm soát cho gần 128 nghìn phụ nữ từ 35-60 tuổi.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã được các cấp, các ngành thành phố quan tâm. Giai đoạn từ năm 2007-2016, có trên 600 nghìn phụ nữ được tạo việc làm, chiếm 42% tổng số việc làm mới trên địa bàn thành phố; gần 32,5 nghìn phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, hành chính, tin học và ngoại ngữ. Đặc biệt, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ của thành phố, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 30/12/2011 “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ thành phố Hà Nội”, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử. Cụ thể, nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là 12%, Ban Chấp hành Đảng bộ các quận, huyện, thị xã là 19,6% và cấp xã, phường, thị trấn là 24,9%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) của thành phố là 30%, nữ đại biểu HĐND thành phố là 23,8%, cấp quận, huyện là 30% và cấp xã, phường là 28,5%... Trong 10 năm qua, gần 24 nghìn phụ nữ được kết nạp Đảng, chiếm 44,4% tổng số đảng viên mới của thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, một số nội dung trong Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ban, ngành, quận, huyện, cơ sở còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của phụ nữ. Việc lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của địa phương, ban, ngành còn hạn chế…
UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thành ủy Hà Nội đã có kế hoạch tuyên truyền, xây dựng Chương trình hành động với 5 nhóm chỉ tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Thành ủy cũng đã có các văn bản để tổ chức thực hiện, UBND thành phố đã cụ thể hóa bằng các văn bản riêng. Có thể nói, công tác chỉ đạo được thực hiện bài bản và đồng bộ, đem lại kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, gắn phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện chương trình bình đẳng giới…
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X). Trước hết, thành phố tiếp tục phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phụ nữ; tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ tiến bộ và phát triển; chăm lo sức khỏe, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng phụ nữ Thủ đô Trung hậu-Sáng tạo-Đảm đang-Thanh lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết của thành phố Hà Nội. Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết sáng tạo, với quyết tâm cao; chỉ đạo và cách làm vừa mang tính chiến lược, vừa rất cụ thể… Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo; lồng ghép cụ thể trong chính sách, chương trình bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, nữ quản lý trong các doanh nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ; quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ làm khoa học, nghiên cứu, lao động nữ trong các khu công nghiệp, các vùng đồng bào dân tộc; phấn đầu hoàn thành các chỉ tiêu còn chưa đạt, như chỉ tiêu 50% UBND các cấp có cán bộ nữ…
Theo hanoimoi.com.vn