Chiều 2/6 tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quy định sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vào mục đích văn hóa và việc lựa chọn cơ quan được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến.

Đại biểu Đào Thanh Hải phát biểu
Đại biểu Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) cho ý kiến về vấn đề liên quan tới công tác nghiên cứu chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí được quy định tại Điều 17 của dự thảo luật. Vấn đề nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, nhập khẩu vũ khí của các tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là phù hợp với việc cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013 và những quy định trong nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Đại biểu Hải cho rằng: "Nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất, kỹ, thuật hiện đại cho lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân". Trong nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 Đảng đã quy định rất rõ giao nhiệm vụ sản xuất, chế tạo, nghiên cứu, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí cho 2 bộ để cùng phát triển theo phương thức lưỡng dụng. Trong thời gian vừa qua, qua nhiều năm Bộ Công an đã làm tốt công tác nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí phục vụ cho lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đảm bảo giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Hiện nay Bộ Công an đã có sẵn hệ thống công nghiệp an ninh đang hoạt động tốt, hiệu quả đã đáp ứng được tất cả các việc phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Do đó, đề nghị chọn phương án 1 là phù hợp với tình hình thực tế.
Vấn đề về hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là mặt hàng đặc biệt có liên quan trực tiếp đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người. Do đó, cần phải được quản lý chặt chẽ, dự thảo luật đã quy định theo hướng tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, phải là doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tranh luận về vấn đề này đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) cho rằng về giác độ thể dục thể thao định nghĩa như sau: Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 3 dự thảo luật vũ khí thể thao, quy định vũ khí thô sơ quy định tại Khoản 4, Điều 3, đại biểu trước nói định nghĩa về vũ khí thô sơ cần phải rộng hơn để quản lý vũ khí thô sơ cho chặt. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy nên đề nghị xem xét, loại trừ một số loại vũ khí thô sơ như là thương, đao, kiếm được sử dụng cho các môn thể thao như wushu, đấu kiếm, vì các loại trang thiết bị được gọi vũ khí thô sơ để tập luyện bồi dưỡng và thi đấu ở các môn thể thao này thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn quy định chung của Luật thi đấu thể thao, các tổ chức thể thao quốc tế và hầu như không có khả năng gây ra sát thương, cho nên tôi đề nghị định nghĩa cân nhắc điều này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng
Thứ hai, về Điều 17, đại biểu Hưng nhất trí với những ý kiến đã nêu ra của các đại biểu trước. Ở giác độ thể dục thể thao đối với một số loại vũ khí thô sơ không có tính sát thương mà sử dụng để tập luyện, biểu diễn thi đấu thể thao, đề nghị xem xét cho phép các doanh nghiệp khác. Ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, nhập khẩu, vì nếu quy định như dự thảo, việc sản xuất kinh doanh các loại trang thiết bị này rất khó khăn do nhu cầu sử dụng không lớn. Trên thực tế không đơn vị nào trong nước sản xuất mà hầu hết chúng ta phải nhập khẩu nước ngoài trong xu hướng hướng tới một nền thể thao toàn dân, phát triển phong trào thể thao quần chúng về nhu cầu để luyện tập, sử dụng các vũ khí thể thao không có tính sát thương cao, rất mong để tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành thể dục, thể thao và quản lý. Cũng mong muốn việc cấp giấy phép quy định để nhập khẩu các vũ khí thể thao cũng là thời gian không phải 30 ngày mà kéo dài tới 45 ngày để cho các đơn vị và các cá nhân luyện tập thể thao có điều kiện tốt hơn.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, về vấn đề nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại điều 17, dự thảo Luật đề ra 2 phương án. Qua thảo luận cho thấy cả 2 phương án đều được phân tích lựa chọn rất kỹ lưỡng. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề nghị sửa nội dung này theo hướng giao các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ, đồng thời tính đến việc các doanh nghiệp dân sự tham gia khi có đủ điều kiện nhưng không được tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.
Trên cơ sở thảo luận tại Hội trường, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại Kỳ họp
NGỌC ÁNH