Sáng 7/6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV,Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ sự tán thành, ủng hộ với chủ trương sớm ban hành Nghị quyết về giải quyết xử lý nợ xấu nhằm góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Về quan hệ giữa nghị quyết và các luật khác, các đại biểu đánh giá, việc ban hành nghị quyết này vào thời điểm hiện nay là kịp thời và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do hiện nay chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ về xử lý nợ xấu, những vấn đề đặt ra trong dự thảo nghị quyết thì quy định cơ bản đầy đủ về nguyên tắc, biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo mang tính khả thi phù hợp với thực tiễn và không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như đảm bảo tính khả thi còn rất nhiều vấn đề trong dự thảo nghị quyết cần tiếp tục hoàn chỉnh.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu

Tham gia phát biểu và tranh luận tại phiên họp, Đoàn đại biểu Hà Nội có đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Hoàng Văn Cường, Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Văn Thắng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cơ quan soạn thảo cần đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc hơn những tác động khi thực hiện nghị quyết này đến đời sống xã hội, đặc biệt liên quan vấn đề xã hội. Để đảm bảo tính khả thi cũng như để đảm bảo sự đồng thuận thì chúng ta nên hình dung hết tất cả những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện để có biện pháp xử lý để đảm bảo một mặt vẫn thu được lợi ích kinh tế và mặt khác giữ được ổn định chính trị. Nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu, còn thiếu các quy định về cơ chế bán đấu giá tài sản trong mua bán các khoản nợ, chưa cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận giữa các bên liên quan trong xử lý tài sản, trong định giá tài sản và đặc biệt là cơ chế về giải quyết tranh chấp. Theo nghị quyết này, chúng ta không giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án. Vậy thì trong trường hợp phát sinh các tranh chấp thì sẽ xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần thể hiện rõ.

Đại biểu Mai đề nghị bổ sung vào trong dự thảo nghị quyết những quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan chức năng để thực hiện nghị quyết này. Về chế độ báo cáo, dự thảo nghị quyết cũng quy định sau 5 năm thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ chính trị liên quan đến kinh tế - xã hội, vì vậy đề nghị cùng với việc báo cáo hằng năm về tình hình nhiệm vụ thực hiện kinh tế - xã hội thì trong báo cáo của Chính phủ cũng cần có những báo cáo về quá trình tổ chức thực hiện, những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc và để từ đó có những biện pháp xử lý trong toàn bộ 5 năm chúng ta tổ chức thực hiện.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng theo báo cáo tại Tờ trình của Chính phủ thì tỷ lệ nợ xấu có thể là 10,08%, điều này có nghĩa là cứ 10 đồng cho vay thì 1 đồng đã biến thành nợ xấu, là "cục máu đông" không có tác dụng nuôi dưỡng nền kinh tế.

Về tiêu chí nợ xấu, theo đại biểu Cường không nên quy định tất cả các khoản nợ nhóm 3 đều là đối tượng áp dụng quy định này, bởi vì trong các khoản nợ nhóm 3 này có 4 nhóm: Một là nợ được ra hạn lần đầu; Hai là nợ được tái cơ cấu lại đang còn trong thời gian ra hạn; Ba là trái phiếu doanh nghiệp quá hạn thanh toán gốc và lãi quá 10 ngày; Bốn là các khoản thu khác đã quá hạn thanh toán gốc và lãi 10 ngày. Nếu như quy định cả 4 nhóm này là đối tượng áp dụng biện pháp cứng thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào nguy cơ, trạng thái bị cưỡng chế. Điều này sẽ gây những nguy hại cho các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ đi đến phá sản.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu

Đại biểu Cường cũng cho rằng không nên quy định việc chuyển nhượng những tài sản bảo đảm là khoản nợ xấu của dự án bất động sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định tại Khoản a, Điều 10, vì nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đương nhiên sẽ không biết có tranh chấp hay không về quyền sử dụng đất và đương nhiên Nhà nước cũng không có thu hồi vì chưa giao đất mà đã thu hồi, như vậy sẽ mâu thuẫn giữa Khoản a, Khoản b và Khoản c, Điều 10. Thêm vào đó nếu cho bán các dự án bất động sản là nợ xấu mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tức là chưa đảm bảo được quyền tham gia vào mua bán thì điều này rất dễ gây ra tình trạng lách luật cho các hoạt động mua bán các dự án bất động sản.

Về thời hạn nghị quyết, nếu nghị quyết này ban hành mà đối tượng áp dụng chủ yếu là dành cho các tổ chức tín dụng thì thời hạn có thể kéo dài 5 năm như dự thảo. Tuy nhiên, nếu đối tượng áp dụng hướng vào chủ yếu là dành cho VAMC thì tôi thấy không nhất thiết phải kéo dài. Bởi vì bản thân việc bán nợ xấu thì chỉ có các tổ chức tín dụng là đơn vị bán tốt nhất còn VAMC không thể bán các nợ xấu này, bán các tài sản bảo đảm này bằng các tổ chức tín dụng. Vì con số thống kê cho thấy trong 611.000 tỷ đồng nợ xấu được giải quyết thì các tổ chức tín dụng bán 92% còn VAMC chỉ bán được 50.000 tỷ tức là 8%. VAMC có chức năng chủ yếu là giải quyết những vấn đề làm đẹp thêm bản tổng kết tài sản của các tổ chức tín dụng và đưa các doanh nghiệp đang nằm trong đối tượng nợ xấu ra ngoài đối tượng để được tiếp tục. Và VAMC sẽ có vai trò rất quan trọng là phải tái cơ cấu lại các nguồn này bằng việc kêu gọi các nguồn đầu tư. Do vậy, tôi đồng tình với Ủy ban Kinh tế xã hội là bổ sung thêm một điều khoản là phải thực hiện chứng khoán hóa những khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được. Đây chính là cơ sở quan trọng để ra đời và phát triển các thị trường thế chấp thứ cấp trong tương lai. 

Ngoài ra Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đã góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức tín dụng về biện pháp hỗ trợ đối với phương án xử lý các pháp nhân dưới hình thức phá sản (Khoản 1 Điều 151d). Tại Khoản 1, Điều 151d quy định "Chính phủ quy định  mức cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt của Ngân hàng nhà nước đối với tổ chức tín dụng kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định". Tiền cho vay đặc biệt này không thu hồi được sẽ có cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước, việc quy định như thế này thực chất là dùng tiền ngân sách nhà nước để chi trả cho người gửi tiền đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt và phá sản. Điều  này trái với nguyên tắc không dùng tiền ngân sách để xử lý  nợ xấu của các tổ chức tín dụng và trái với quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi. Do vậy, đề nghị bỏ điều này và thay vào là cơ chế xử lý và trình tự xử lý phải tuân theo Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nợ xấu là một vấn đề nhức nhối của xã hội suốt nhiều năm qua, thực sự đây là nỗi niềm nhức nhối của tất cả cán bộ, công chức, nhân viên của ngân hàng cũng như các tổ chức xã hội. Để Quốc hội có thể giải quyết được vấn đề này, yêu cầu ngân hàng sớm có báo chi tiết cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân nào đang gây ra nợ xấu, trên cơ sở đó Quốc hội sẽ xem xét, nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự đang gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ. Đề nghị Quốc hội xem xét xóa nợ. Tổ chức, cá nhân nào gây ra những nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng, đề nghị "truy tận gốc ". Chỉ có như thế chúng ta mới bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những ai gây ra nguy hiểm cho xã hội, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, phải đối mặt với Bộ luật hình sự, không thể đưa vào vấn đề giải quyết, xử lý nợ xấu như thế này được.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nợ xấu phát sinh là vấn đề tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu, nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan có, chủ quan có. Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy nợ xấu phát sinh cao đột biến đến mức phải có sự can thiệp của Nhà nước đều xuất phát từ các cú sốc của nền kinh tế, và trường hợp này đã xảy ra ở rất nhiều ở các quốc gia, từ các quốc gia có trình độ quản lý cao như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc đến các quốc gia có trình độ quản lý thấp hơn nhưng cũng là các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN như Thái Lan, Malaisia. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nhưng con số hiện nay rất lớn, nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu ở con số khoảng xấp xỉ 600 nghìn tỷ đồng và chiếm tới 1,8% theo báo cáo. Về mục tiêu của nghị quyết, mặc dù nghị quyết về nợ xấu, nhưng vấn đề cốt lõi chính là ban hành các cơ chế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Hiện nay chúng ta đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia. Công ty VAMC được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Như vậy, nghị quyết xử lý nợ xấu nếu Quốc hội phê chuẩn sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Đại biểu Thắng đề nghị với Quốc hội cho phép áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu bao gồm cả các khoản hiện tại và phát sinh, vì nghị quyết này chỉ có 5 năm, chúng ta không tốn nguồn lực mà chỉ có cơ chế và quy định. Cần xử lý và thu hồi được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn 5 năm khi nghị quyết ban hành.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Nhìn chung ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, phù hợp với nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại thị trường tài chính, đồng thời khắc phục những khó khăn, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã tham gia vào nhiều nội dung về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, nhất là về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu các đại biểu cũng quan tâm đến khái niệm nợ xấu, vấn đề quyền thu giữ tài sản, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và nhấn mạnh không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, không dùng cơ chế thuế, phí để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chúng ta cho phép các ngân hàng trích tăng dự phòng rủi ro có nghĩa là giảm thu ngân sách nhà nước, và cũng cần làm rõ thêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu và không được coi nghị quyết này là đặc quyền cho các tổ chức tín dụng tiếp tục lại gây ra nợ xấu mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu. Đối với các ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết sẽ được chỉnh lý tiếp thu và hoàn thiện sau đó sẽ được báo cáo Quốc hội để tiến hành thảo luận vòng 2 vào chiều ngày 12/6/2017.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tổng hợp chỉnh lý và thực hiện các quy trình để trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm nay.

NGỌC ÁNH - THANH HÀ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    CHÚC MỪNG NĂM MỚI - 2025: ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC!
     Liên kết website
    Bình chọn
    Đánh giá của bạn về trang thông tin điện tử đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
    791 người đã bình chọn
    Thống kê: 6.158.339
    Online: 145